Giáo dục

PPP giáo dục TPHCM: Nhà đầu tư làm sao tiếp cận 50% quỹ đất?

  • Tác giả : Kim Thanh
(khoahocdoisong.vn) - Trong năm 2019, TP tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 198 dự án để đảm bảo nhu cầu đến năm 2020.

Ông Lê Hoài Nam – PGĐ Sở GD&ĐT TPHCM.

UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo quốc tế về hợp tác công - tư (PPP) trong một số lĩnh vực ở TPHCM, trong đó có giáo dục.

TPHCM chưa có dự án PPP giáo dục

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, hằng năm, TP chi khoảng 2.700 tỉ đồng (khoảng 26% tổng ngân sách TP) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhưng vẫn không bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành (mỗi năm tăng lên khoảng 65.000 học sinh). Việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục là giải pháp tích cực trong việc đảm bảo nhu cầu trường học tại TP. Đặc biệt là phương thức đầu tư hình thức hợp tác công tư PPP. Trong năm 2019, TP tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 198 dự án để đảm bảo nhu cầu đến năm 2020.

Trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công thì việc áp dụng hình thức đầu tư công tư PPP là giải pháp cần thiết, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cho đến nay, 100% các đơn vị trực thuộc Sở đã được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, về hình thức hợp tác PPP, chỉ phương thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO) đang khả thi và có hiệu quả.

Theo ông Lê Hoài Nam – PGĐ Sở GD&ĐT TPHCM: “Hiện nay đầu tư giáo dục có dạng na ná như PPP, chứ chưa phải PPP. Tính pháp lý chưa rõ ràng lắm, chúng ta thực hiện trước giờ là theo nghị định 69 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục. TPHCM vừa làm vừa tìm tòi, nên khi thực hiện có rất nhiều rủi ro”.

Chia sẻ tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng khi thực hiện dự án PPP, có nhiều trường hợp phải thu hồi đất của người dân. Vậy đền bù, tái định cư cho người dân như thế nào? “Nếu đền bù thấp, đến khi tư nhân có đất bán lại cho đơn vị khác giá cao hơn thì người dân sẽ không bao giờ đồng ý chính sách đền bù, tái định cư đó. Đây là vấn đề lớn khi làm PPP mà trước đây ít đề cập, thảo luận, trong khi rất nhiều vấn đề phát sinh từ câu chuyện đất đai này”.

Đầu tư PPP trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều rủi ro

Ông Dilip Parajuli – chuyên gia Kinh tế Giáo dục cấp cao World Bank cho biết:  “Sự xung đột về thể chế luật thường là mấu chốt của các rủi ro khiến khu vực tư nhân lo ngại. Có nhiều hình thức đầu tư PPP khác nhau trong lĩnh vực giáo dục như cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ (ăn uống, nhà ở, công nghệ mới đưa vào, E-learning...) hay kết nối giữa trường và doanh nghiệp (làm chương trình giảng dạy thực tiễn hơn, hợp tác trong các mảng nghiên cứu, tận dụng kỹ năng của nhà trường và tài chính doanh nghiệp để mang lại chất lượng hơn...) nhưng hình thức nào cũng có rủi ro. Rủi ro trong các dự án PPP liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù đất; rủi ro về nguồn thu, tỉ giá và lãi suất; rủi ro về mặt pháp lý...  Khi hợp tác PPP, rủi ro sẽ được phân bổ công bằng và có tính chia sẻ giữa hai bên”.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm các dự án giáo dục kêu gọi đầu tư, bà Trịnh Thị Tường Vân – GĐ điều hành Cty CP ĐT & PT giáo dục Thế giới Kỹ thuật, thành viên tập đoàn TWGroup cho rằng nguyên nhân thành công của các dự án xã hội hóa giáo dục gồm 4 yếu tố chính: 1/ sự chấp nhận mạo hiểm của nhà đầu tư và tính chủ động tiếp cận thông tin về quỹ đất. 2/ Những chính sách, hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành là chất xúc tác và là nền tảng để nhà đầu tư có thể triển khai dự án. 3/ Nguồn nhân lực bên cạnh việc áp dụng công nghệ và các hình thức vào quản lý. 4/ Hỗ trợ từ cộng đồng, người dân địa phương và các bậc phụ huynh.

Ông Nguyễn Ninh Thụy - đại diện ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho rằng: “Những kinh nghiệm thất bại của dự án PPP của trường là do việc kêu gọi xã hội hóa khó thực hiện. Trường ĐHQG-HCM chưa có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong Khu đô thị ĐHQG-HCM. Hơn nữa, vốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cao nhưng lợi nhuận lại không tương xứng, khả năng thu hồi vốn lâu nên có rất ít nhà đầu tư muốn tham gia. Việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt thì sẽ mất nhiều thời gian và tăng áp lực xử lý hồ sơ cho Thủ tướng Chính phủ”.

Chia sẻ về nguồn vốn & lợi nhuận trong đầu tư lĩnh vực giáo dục & đào tạo, PGS.TS Thái Bá Cần – Phó TGĐ phát triển ĐH, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng cho biết: World Bank là một định chế tài chính đầu tư rất nhiều như gần đây có dự án đầu tư 150 triệu USD cho các trường công lập và một số trường ĐH tư thục, nhưng trong lĩnh vực giáo dục tư thục, thì gần như tất cả các trường chưa có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn. Tất cả nguồn vốn của các trường tư chủ yếu là từ các ngân hàng thương mại, lãi suất cao, vận hành sẽ cao, thiệt thòi lớn đối với người học.

Thực tế từ báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, từ nay đến năm 2020 toàn thành phố còn khoảng 50% quỹ đất giáo dục chưa được khai thác. Việc làm sao khai thác quỹ đất này một cách minh bạch và hợp lý trong các dự án PPP giáo dục phụ thuộc nhiều vào cơ chế, hành lang pháp lý và sự đồng thuận của nhiều cơ quan ban ngành.

Từ năm 2000 đến nay, TP có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 69.869 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD). Trong đó, 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Rõ ràng, dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục chỉ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với 36 dự án tại 24 quận, huyện của TP.

Kim Thanh