Chữa bệnh không dùng thuốc

Phòng tránh ngộ độc từ cà tím

Cà tím là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, phòng ung thư, chữa mất ngủ, giảm huyết áp, chống táo bón… Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, cà tím như con dao hai lưỡi. Chất solanine trong cà tím ngoài tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê, ngộ độc.

Chống ô xy hóa mạnh

Theo TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cà tím còn có tên cà dái dê, cà tím dài, cà dê, tên khoa học là Solanum melongema. Màu tím đậm của cà cho thấy loại quả này chứa nhiều chất chống ô xy hóa mạnh để bảo vệ các tế bào não và kiểm soát hàm lượng chất béo lipid.

Những loại rau củ có màu tím là nhờ sắc tố Anthocyanin chứa bên trong. Anthocyanin có tác dụng mạnh hơn vitamin C và E gấp 30 đến 50 lần trong khả năng chống ô xy hóa, chống viêm, cân bằng cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, kháng khuẩn và chống ung thư. Về dinh dưỡng, trong thành phần của cà tím có 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid, 0,2% lipid. Các khoáng chất (tính theo mg/100g) gồm: kali 220, phốt pho 15, magiê 12, calcium 10, lưu huỳnh 15, clor 15, sắt 0,5, mangan 0,2, kẽm 0,2, đồng 0,1, iod 0,002. Các vitatmin B1, B12, PP rất ít, nhiều chất nhầy.

Cà tím chứa nhiều nước và potassium có khả năng kích thích nhịp tim hoạt động tốt. Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời magiê trong cà tím còn chống lại cảm giác bồn chồn, lo lắng và chứng mất ngủ…

TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng cho biết, cà tím có vị ngọt, tính lạnh, không độc, tác dụng điều hoà thân nhiệt, bổ ngũ tạng hư tổn, tán huyết ứ, cầm máu, tiêu sưng. Cà tím là vị thuốc được dùng chữa đại tiểu tiện ra máu, tiểu buốt, đi cầu ra máu, viêm loét ruột chảy máu, phụ nữ rong huyết, chữa sưng tấy, tay chân nứt nẻ khi trời lạnh giá, đau răng, viêm lợi…

Cà tím cũng mát gan, lợi mật, nhuận tràng… ăn rất tốt cho người bị nóng nhiệt, khô đắng miệng, táo bón… Cà tím tính lạnh, những người hay bị rôm sảy, mụn nhọt, lở loét có thể ăn nhiều nhưng người có bệnh về dạ dày, lá lách, hen suyễn cần hạn chế.

Chế biến đúng cách

TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu cho hay, solanine trong cà tím có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có thể gây hôn mê. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này. Do vậy, khi chế biến phải cho thêm giấm để thúc đẩy sự phân hủy của solanine.

Món ăn hấp dẫn từ cà tím.

Trong cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác, với nồng độ 0,01mg/100g. Để tránh độc, chỉ nên ăn cà tím 2-3 lần/ tuần, mỗi lần không quá 250g chế biến cùng các thực phẩm khác. Cà tím có thể chế biến dưới nhiều cách khác nhau như món nướng, xào với dầu ăn, bung, um, xào thịt hay làm các món ăn sống. Khi ăn giữ nguyên vỏ bởi vỏ cà có chứa vitamin nhóm B và vitamin C rất có lợi cho sức khỏe. Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ thất thoát nhiều chất dinh dưỡng do vậy phải ninh nhừ, nhỏ lửa, chín kỹ.

TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh cũng chỉ ra rằng, khi chế biến phải ngâm cà qua nước muối pha loãng để loại bỏ vị đắng, tính độc. Khi chế biến cà tím không nên phối hợp với thức ăn tính hàn khác mà nên bổ sung các gia vị có tính ấm như ít gừng, rau răm, tiêu… để giảm tính lạnh.

Hiện tượng ngứa ở ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím do trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao. Để tránh ngộ độc, cần nấu chín kỹ cà tím trước khi ăn. Cà tím chứa rất ít calo và cung cấp rất ít năng lượng nên tốt cho người béo phì, giảm cân. Những người có thể chất hư hàn không nên ăn nhiều, nhất là người đang bị tiêu lỏng.

Đức Vinh