Một góc ngôi làng chuyên làm bánh củ chuối.
Có lẽ, nhiều người khi qua Quốc lộ 3 thuộc địa phận huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã quen thuộc với hình ảnh bánh củ chuối, được người dân bày bán ven đường. Chỉ qua vài năm “thương mại hóa”, món bánh chỉ xuất hiện trong ngày lễ của người dân tộc Tày trước đây trở nên sốt xình xịch. Có gia đình mỗi tháng bán được hàng vạn chiếc bánh, thu về số tiền hàng chục triệu đồng.
Bánh làm từ củ chuối rừng đỏ mồ côi
Có lẽ, bánh củ chuối của người dân huyện Chợ Mới được xếp vào loại có các công đoạn chế biến phức tạp, nhì nhằng nhất. Như tên gọi của nó, bánh củ chuối được làm từ củ chuối rừng đỏ mồ côi và cây chuối phải đạt tầm cao từ 10 – 15m, thân cây 1 người ôm không xuể.
Trước đây, người dân địa phương thường làm bánh củ chuối mỗi năm 2 lần vào rằm tháng 3 và tháng 7 âm lịch.
Chị Ma Thị Sinh, một gia đình chuyên làm bánh củ chuối tại Bản Đồn vừa nhóp nhép nhai miếng bánh củ chuối dẻo, thơm vừa kể về sự vất vả khi làm món cổ truyền của cha ông. Theo đó, mỗi người dân muốn làm món bánh này thì phải lên rừng từ sáng sớm để đi tìm củ chuối rừng.
Ở chốn thâm sơn cùng cốc này, chuối rừng là một trong những loài cây bá chủ. Chuối mọc trên đỉnh đồi, trên sườn núi… và đặc biệt là các thung lũng phì nhiêu. Vậy nhưng, để kiếm được cây chuối đủ tiêu chuẩn làm bánh không hề dễ dàng.
Người dân phải chọn cây chuối rừng có hoa màu đỏ, kiểu dáng hoa hướng xuống đất. Nhưng như thế chưa đủ. Nếu tìm được chuối rừng đỏ rồi mà chúng lại mọc theo khóm cũng coi như “hỏng ăn” mà phải tìm cây mọc đơn độc, gọi là chuối “mồ côi”.
Mỗi ngày, chị Ma Thị SInh bán được hàng ngàn chiếc bánh củ chuối cho khách quá giang.
Kinh nghiệm làm bánh lâu năm của người dân địa phương cho thấy, cây chuối “mồ côi” sẽ to hơn cây mọc theo khóm. Có cây cao từ từ 15 – 20m như đại thụ rừng già, thân cây to đến nỗi một người lớn dang tay ôm không hết. Củ chuối to như cái vại nước cỡ lớn nên bên trong có một lớp lõi chứa tinh bột. Người dân sẽ phải đẽo vỏ củ chuối đi chỉ lấy lớp lõi bên trong. Nếu củ to bằng cái vại thì nhân chỉ bằng cái ấm nhôm…
Củ chuối sau đó được đưa về rửa sạch, thái lát mỏng bằng bàn tay, dày 2mm rồi đem luộc với nước vôi trong. Luộc xong đem ra vắt sạch, tiếp tục ngâm vào nước lã rồi tiếp tục vắt khô lần thứ hai. Tiếp đến, người dân phải nghiền nát củ chuối thành bột và cho vào chảo rang với đường. Tỉ lệ 1kg củ chuối + 7gram đường. Củ chuối rang xong lại trộn với bột gạo nếp và cuối cùng là nặn thành bánh.
Bánh trong ngày lễ
Trong ký ức của một lớp người dân tộc Tày khu vực Bắc Kạn vẫn còn hằn in những kỷ niệm khó quên về món bánh củ chuối.
Anh Âu Đình Tám, người dân huyện Chợ Mới kể lại: Trước đây, mỗi năm người Tày chỉ làm món bánh củ chuối hai lần vào rằm tháng ba và rằm tháng 7 để cúng tế tổ tiên. Nhưng người Tày phải kinh qua những giai đoạn đói khủng khiếp, nhà nào cũng hết gạo, ngô… dân địa phương bèn nghĩ ra cách tiết kiệm là làm bánh củ chuối ăn thay cơm. Như thế vừa no bụng lại tiết kiệm được lương thực, cầm cự dài ngày với nạn đói.
“May mắn là trong củ chuối rừng đỏ mồ côi có chút tinh bột. Có khi người ta đem về luộc lên ăn chứ chẳng thèm làm bánh trái gì nữa”, anh Tám cho biết.
Nhưng rồi nỗi ám ảnh về củ chuối trong nạn đói cách đây 40 năm cũng trôi qua. Giờ đây, chẳng biết người nào bày ra cách làm món bánh của dân nghèo một thời đem ra đường Quốc lộ bán cho khách quá giang. Thấy bán được hàng, nhiều người khác làm theo… rồi cứ như thế, bản hoang sơ dần đông đúc và trở thành cái nghề kiếm cơm được liệt vào hàng thượng hạng. Món củ chuối cứu đói năm xưa nay lại trở thành thứ cứu người dân thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Mỗi ngày bán hàng ngàn chiếc bánh
Khu phố bán bánh củ chuối nằm ngay bên đường Quốc lộ 3, cứ vài phút, từng đoàn xe khách lại tấp vào dãy hàng quán để người dân nghỉ ngơi. Xe vừa dừng bánh, hàng đoàn người đã xếp hàng kín các cửa hàng bánh củ chuối. Họ chọn những chiếc bánh thật ngon để ăn và đem về xuôi làm quà biếu.
Hành khách thường mua bánh củ chuối để ăn và làm quà biếu.
Chị Ma Thị Sinh cho biết: Mỗi chiếc bánh ở đây được bán với giá 5 ngàn đồng. Mỗi ngày chị bán ít nhất được 600 cái, ngày nhiều thì khoảng 2000 cái bánh. Nếu tính trung bình mỗi ngày bán được 1000 chiếc bánh thì chị Sinh lãi được 2,5 triệu. Mỗi tháng, cả gia đình chị có thể thu về số tiền hàng chục triệu đồng.
Ngoài gia đình chị Sinh, những hộ khác cũng dốc sức làm bánh củ chuối để thoát nghèo. Anh Âu Đình Tám cho biết: Nghề làm bánh củ chuối mới được thương mại hóa cách đây vài năm, nhưng bán rất đắt hàng. Bản thân anh mới chỉ làm bánh được vài gần một năm, nhưng kết quả thu lại rất khả quan.
Ban đầu anh chỉ có cái chòi nhỏ làm bằng 4 cọc tre, lợp mấy lá cọ, nhưng chỉ gần một năm bán bánh củ chuối, anh đã tích cóp đủ tiền để làm hẳn một ngôi nhà khang trang cho cả gia đình ở. Anh sẽ tiếp tục làm bánh để mở rộng cơ sở sản xuất, phục vụ người qua đường.
Cũng giống như nhiều gia đình khác tại Chợ Mới, chị Trần Thị Hà cũng mở được một cửa hàng chuyên bán bánh củ chuối và các mặt hàng khác liên quan đến chuối rừng như hoa chuối, quả chuối rừng làm thuốc… Việc kinh doanh này đã giúp gia đình chị duy trì được cuộc sống, cho con cái học hành đến nơi đến chốn và xây dựng được nhà cửa khang trang.
Chị Hà tiết lộ: “Mỗi ngày, tôi đều dành buổi sáng đi lên rừng lấy củ chuối, đến trưa và tối về thì làm bánh, tối luộc và sáng ngày hôm sau có bánh bán cho khách. Còn con cái và chồng thì ở nhà bán bánh, phục vụ khách dừng chân ven đường. Nếu so với đi làm thuê cho người khác như trước đây thì công việc làm bánh củ chuối tốt hơn rất nhiều. Công việc vừa tự do, thấy mệt thì nghỉ… mà trong khi tiền công thì cao gấp nhiều lần đi làm thuê”.
“Cây chuối rừng có đặc điểm rất khác với chuối nhà, đó là nó có thể mọc cây con bằng hạt, bằng rễ và bằng củ. Cây chuối rừng đỏ mồ côi thường hay mọc một mình, hút chất dinh dưỡng nhiều hơn loại mọc theo khóm cho nên thân cây và củ rất to, dài. Chỉ củ của loại cây này mới có một lớp lõi bên trong làm được bánh, loại chuối khác nếu làm bánh sẽ chát, không nên ăn”, chị Ma Thị Sinh cho biết.
Quách Dương