Đình chỉ thai sớm để đảm bảo sự sống cho thai nhi
Ngày 30/11, ThS.BS Đào Trung Hiếu, cố vấn Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi 3 ngày tuổi có khối bướu hạch bạch huyết khổng lồ. Sau hơn 30 năm công tác thì đây là ca có khối bướu lớn nhất mà ông từng thấy. Bướu đã ăn lên sàn miệng, ăn xuống trung thất, khí quản và bao bọc mạch máu lớn ở vùng cổ.
Được biết, nam bệnh nhi là con của sản phụ T.M., chào đời vào tuần thứ 37 (ngày 15/11) tại Bệnh viện Từ Dũ với cân nặng 4 kg. Trong lần thăm khám định kỳ ở tháng thứ 6 thai kỳ, bác sĩ đã phát hiện bé mang khối bướu ở đầu, mặt và cổ. Khối bướu có xu hướng to dần, nguy cơ xuất huyết lớn nên các bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ sớm để đảm bảo an toàn cho bé. Sau khi sinh, các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ đã nhanh chóng đặt ống hỗ trợ hô hấp ngay khi chưa cắt dây rốn và chuyển bé sang Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiến hành can thiệp khối u.
ThS.BS Huỳnh Thị Phương Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bé nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, thở oxy qua mũi, sinh hiệu ổn định. Khối bướu lớn đẩy cột sống sang trái, vùng cổ lệch hẳn về bên trái.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán đây là khối bướu dị dạng bạch huyết có kích thước khổng lồ vùng cổ, mặt, vai và đã gây biến chứng xuất huyết. Khối u đã chèn ép khí quản và lan xuống vùng ngực, phổi khiến bé thở không được.
Cố vấn Ngoại khoa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, bệnh nhi mắc khối bướu khổng lồ là do bất thường hệ bạch mạch trong quá trình thai nhi phát triển. Loại bướu này không hiếm và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Bé trai có khối bướu dị dạng bạch huyết lớn nhất trong y văn thế giới (Ảnh: BVCC) |
Từ 4kg sau cắt u trẻ còn 1,9kg
Do khối u có xu hướng lớn dần và có dấu hiệu xuất huyết nên ngày 18/11, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định phẫu thuật loại bỏ khối bướu khi trẻ được 3 ngày tuổi.
Trong quá trình mổ, phát hiện khối u đã lan vào tất cả các khoang tầng trên ngực, bao bọc tất cả mạch máu lớn, tuyến giáp và khí quản, thực quản. Các bác sĩ đã phải hết sức cẩn thận khi bóc bướu bao quanh bó mạch ở cổ vì chỉ một chút sơ suất cũng có thể khiến trẻ tử vong ngay trên bàn mổ bất cứ lúc nào.
Theo kế hoạch, ca mổ sẽ hoàn thành trong vòng 8 giờ nhưng các bác sĩ đã loại bỏ 90% khối u thành công trong vòng 4 giờ, 10% còn lại của khối u còn lại bám ở trung thất, gần vùng phổi sẽ được tiêm thuốc để gây xơ hóa, ức chế sự phát triển của bướu. Sau khi bóc tách thành công khối bướu bạch huyết nặng 1,1kg, trẻ phải truyền 100ml máu và cân nặng chỉ còn 1,9kg.
Sau phẫu thuật 10 ngày, bé đã ổn định và đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức sơ sinh, bé đã có thể ăn uống qua đường miệng và được hỗ trợ hô hấp và kháng sinh. Dù ca phẫu thuật thành công nhưng bé vẫn phải tập vật lý trị liệu sau mổ để tránh tình trạng lệch cột sống, vẹo cổ về sau. Đồng thời, trẻ sẽ cần được tái khám để theo dõi nguy cơ tái phát.
Bác sĩ cảnh báo, nếu thai nhi có các khối bướu bạch huyết lớn, lấn sâu vào đường thở trẻ sẽ dễ bị suy hô hấp và có thể tử vong ngay khi chào đời. Một số trường hợp, bác sĩ phải tư vấn chấm dứt thai kỳ.
Những ca bệnh có khối bướu lớn như ca bệnh này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ khoa Sản và khoa Nhi. Vậy nên, các bác sĩ khuyến cáo, sản phụ cần khám thai đầy đủ, đều đặn định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của thai nhi, để có hướng can thiệp phù hợp, kịp thời.