Y học và đời sống

Kịp thời cứu sống bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có nhiều bệnh lý

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối thường đi kèm nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim…, vì vậy ngoài việc tuân thủ chế độ lọc máu đều đặn, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh kèm theo.

Ngày 14/4, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có nhiều bệnh lý phối hợp.

Trước đó, vào lúc 21h16 phút ngày 27/3, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận bệnh nhân nam L.H.V (62 tuổi, thị xã Chũ, Bắc Giang) trong tình trạng nguy kịch: kích thích vật vã, da xạm, niêm mạc nhợt nhạt, nổi vân tím toàn thân, phù nhẹ hai chi dưới, thở nhanh nông, rút lõm các cơ hô hấp, SpO2 chỉ còn 70%, mạch chậm 56 lần/phút, huyết áp 160/80mmHg. Bệnh nhân không có dấu hiệu xuất huyết dưới da, không co giật, không liệt khu trú.

Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có tiền sử bệnh thận mạn giai đoạn 5, đang lọc máu chu kỳ tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn với tần suất 3 lần/tuần.

Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc đái tháo đường type 2 đang điều trị insulin và tăng huyết áp mạn tính. Khoảng 4 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở, mệt mỏi tăng dần, nghỉ ngơi tại nhà không đỡ. Ngày vào viện, tình trạng khó thở tăng nhanh kèm theo kích thích vật vã.

Lọc máu cấp cứu kịp thời cứu bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối - Ảnh BVCC

Lọc máu cấp cứu kịp thời cứu bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối - Ảnh BVCC

Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu, đặt ống nội khí quản và hỗ trợ thở máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số sinh hóa rối loạn nghiêm trọng (Ure 49,9 mmol/L; Creatinin 937 µmol/L; Glucose 72,7 mmol/L; Natri 108 mmol/L;

Kali 7,3 mmol/L; pH máu 7,113; HCO₃⁻: 7,0 mmol/L; Lactate 8,55 mmol/L). Kết quả khí máu và điện giải đồ cho thấy tình trạng toan chuyển hóa nặng và rối loạn điện giải đe dọa tính mạng.

Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn liên khoa và chỉ định lọc máu cấp cứu. Sau lọc máu, các chỉ số cải thiện rõ rệt: điện tim trở về nhịp xoang với tần số 85 lần/phút, ure giảm còn 26,9 mmol/L, creatinin 512 µmol/L, kali trở về ngưỡng an toàn. Sau 5 ngày điều trị tích cực tại khoa Nội thận tiết niệu-lọc máu, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết, bệnh thận mạn giai đoạn cuối thường đi kèm nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim…, vì vậy ngoài việc tuân thủ chế độ lọc máu đều đặn, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh kèm theo.

Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, dùng thuốc đúng chỉ định, tái khám định kỳ và đặc biệt là đến ngay các cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán, xử trí kịp thời.

Thúy Nga