Giáo dục

Phân luồng giáo dục: Cần người có kỹ năng hơn là bằng cấp

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Trao đổi với PV KH&ĐS về phân luồng giáo dục, ĐBQH, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân chia sẻ, xã hội hiện nay cần người có kỹ năng hơn là bằng cấp. Và quan trọng là học để có việc làm tốt.

Phân luồng giúp giải nhiều bài toán xã hội

Kỳ thi lớp 10 đã có kết quả. Và sắp tới là kỳ thi THPT Quốc gia. Một lần nữa, câu chuyện về phân luồng giáo dục lại được đặt ra. Ông đánh giá như thế nào về công tác phân luồng những năm qua?

Việc phân luồng đã được triển khai nhiều chục năm, nhưng kết quả đạt được còn rất thấp so với kỳ vọng.

Đến năm 2017 chúng ta khởi động đẩy mạnh phân luồng. Năm 2018 kết quả phân luồng tốt lên. Năm 2019 với việc đổi mới mô hình đào tạo 9+, trong đó cho phép tuyển học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng và đẩy mạnh dạy văn hóa đi cùng dạy nghề nên kết quả tuyển sinh đến thời điểm này vượt trội so với trước đó.

Luật Giáo dục sửa đổi vừa được thông qua đã cụ thể hóa nhiều giải pháp phân luồng, và sẽ tạo nhiều thuận lợi để đẩy mạnh phân luồng trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng đến 2020, học trung cấp/cao đẳng sẽ phổ biến.

Hậu quả của việc phân luồng thấp là học sinh sẽ đi theo hai hướng: một là bằng mọi giá học lên cao, chú trọng bằng cấp. Hai là không học hành gì mà đi ra lao động ngay. Cả hai hướng xu hướng đó đều không tốt.

Vì sao ông lại nói việc bằng mọi giá học lên cao, có bằng cấp lại là không tốt?

Không phải chúng ta không cần người có bằng cấp cao. Ngược lại đất nước rất cần nhân lực trình độ cao. Nhưng nếu tất cả mọi người đều học lên cao, trong khi chất lượng đào tạo không đáp ứng thì rõ ràng sẽ lãng phí.

Tình trạng học cao nhưng thất nghiệp hoặc không làm đúng ngành nghề, chuyên môn kỹ thuật sẽ phổ biến. Cơ cấu nhân lực quốc gia sẽ mất cân đối nếu ai cũng vào đại học.

Có ý kiến cho rằng, việc phân luồng không tốt còn đặt ra bài toán đối với xã hội, khi mà các em thi trượt, đặc biệt là trượt vào cấp 3 ở lứa tuổi còn nhỏ?

Ở lứa tuổi các em, nếu không đỗ THPT, cũng không theo học nghề, vấn đề xã hội sẽ đặt ra nhiều thách thức.

Thực tế, hằng năm có hàng trăm ngàn các em học hết lớp 9 nhưng không vào cấp 3 cũng không đi học nghề. Số lượng này nếu thiếu sự quan tâm của xã hội và gia đình thì dễ bị khủng hoảng và rơi vào các bẫy tệ nạn xã hội.

Khi chúng ta phân luồng tốt thì một mặt thu hút được người vào học nghề. Thứ hai là giúp được nhiều em, nhất là có hoàn cảnh khó khăn trở thành công dân tốt. Như vậy , đúng là sẽ giải quyết tốt được bài toán xã hội.

Học viên Khoa Công nghệ ô-tô (Trường cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng) tham dự khóa đào tạo thực hành tại xưởng. Ảnh: ND.

Học viên Khoa Công nghệ ô-tô (Trường cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng) tham dự khóa đào tạo thực hành tại xưởng. Ảnh: ND.

Phụ huynh cần thay đổi tư duy

Theo ông, nên thực hiện phân luồng từ lớp mấy?

Phân luồng từ lớp mấy thì tùy ngành nghề. Chủ yếu phân luồng thực hiện từ sau lớp 9 và sau tốt nghiệp THPT. Hiện nay, chương trình GDPT định nghĩa rất rõ: 9 năm cơ bản, 3 năm hướng nghiệp. Và theo luật lao động từ 15 – 18 tuổi cũng có rất nhiều ngành nghề và các em có thể đi làm.

Chúng ta kỳ vọng phân luồng sớm thì ở tuổi 18, 19 nhiều em đã có bằng trung cấp, cao đẳng và gia nhập thị trường lao động. Sau này các em có thể học tiếp lên đại học nếu có nhu cầu.

Nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay chia sẻ, họ vẫn khá lúng túng trong việc nếu con thi trượt vào lớp 10 công lập, thì không biết nên cho con học trường dân lập hay đi học nghề?

Tôi cho rằng, lúng túng chủ yếu là do thiếu thông tin và do tâm lý phụ huynh còn e ngại. Hiện nay các chương trình đào tạo đã rất rõ ràng và phong phú, chính sách của Nhà nước khuyến khích học nghề cũng rất đầy đủ.

Thực tế, nhiều trường hiện nay đang tổ chức đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS rất tốt. Có nhiều em vừa thích học nghề, vừa thích học thêm văn hóa.

Theo tôi được biết, tâm lý e ngại đó xuất phát từ hai chữ "học nghề" vẫn gắn với định kiến có gì đó kém "sang" so với việc học văn hóa, lên cao?

Tôi cho rằng, phụ huynh cần thay đổi tư duy. Thay vì chỉ lo con đỗ hay trượt THPT thì có thể cho con đi học nghề kết hợp với học văn hóa.

Hiện nay, các trường trung cấp mở chỉ tiêu rất nhiều. Ngành LĐTB&XH cũng huy động các trường cao đẳng phải vào cuộc. Các em sẽ được học các chương trình chính quy, tại các trường có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Chương trình học THPT và học nghề kết hợp học văn hóa không khác gì nhiều vì cùng trang bị các năng lực đầu ra tương đương nhau.

Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cũng đã mở cho các em được học liên thông lên cao, tương đương như khi các em tốt nghiệp THPT. Phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm.

Thay tuyển dụng bằng cấp bằng tuyển dụng kỹ năng

Như ông nói, chính sách xã hội, chương trình đào tạo cũng đã rõ. Vậy để bài toán phân luồng đạt hiệu quả, cần điều gì?

Phải nhìn nhận đây là quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế. Khi đó nguồn nhân lực phải cơ cấu lại và việc phân luồng sẽ tốt lên.

Ví dụ trong một nhà máy chỉ cần tuyển một số kỹ sư thôi, nhưng lại cần tuyển rất nhiều thợ kỹ thuật, kỹ thuật viên để vận hành, bảo trì máy móc…

Rõ ràng khi nhu cầu tuyển nhiều, thu nhập tốt lên, nhiều công việc hấp dẫn, thì sẽ có nhiều người lựa chọn học nghề.

Thị trường lao động đang cần lao động có kỹ năng nghề, do đó học để có việc làm tốt trước, sau đó tiếp tục học lên cao, học tập suốt đời.

Tức là, việc phân luồng tốt phụ thuộc nhiều vào vấn đề tuyển dụng, thưa ông?

Mới đây, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, phải bỏ tư duy bằng cấp để chuyển sang cơ chế tuyển dụng kỹ năng.

Khi tuyển dụng tập trung vào các kỹ năng thì doanh nghiệp và xã hội sẽ không còn đánh giá năng lực dựa vào tốt nghiệp chính quy hay liên thông. Mà bản chất năng lực được thể hiện thông qua bạn đó có làm được việc hay không.

Đối với các bậc phụ huynh, ông có lời khuyên gì?

Cần thay đổi tư duy, như tôi đã nói, và tránh gây áp lực. Phải làm sao các em có sự lựa chọn tốt hơn. Nếu tạo áp lực thì thui chột hết khả năng.

Bởi phát triển năng lực là được làm, được phát triển theo những khuynh hướng mà anh cảm thấy đam mê, năng lực phù hợp. Ví dụ một em có thể học văn hóa không giỏi, nhưng lại giỏi nghệ thuật, vẽ, âm nhạc… nấu ăn hay nhiều nghề khác…

Trân trọng cảm ơn ông!

"Bản thân tôi học hết phổ thông cũng đi làm một năm. Sau đó thấy cần thiết mới đi học tiếp. Tôi cho rằng, nếu con mình mà có tố chất, khả năng thì học lúc nào cũng được. Không học lúc này thì lúc khác. Sợ nhất là gây áp lực, khiến trẻ sợ học, chán học sẽ rất khó", Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân.
Mai Loan