NHÌN THẲNG

Phá dỡ hết công trình sai phạm để răn đe

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng loạt những vụ sai phạm về xây dựng, ngay giữa Vườn quốc gia Ba Vì mọc lên một khu nghỉ dưỡng có tên Le Mont Resort & Spa dù chưa có đề án cấp phép xây dựng, khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn với 60 căn nhà được xây dựng không phép…  bộc lộ những vấn đề trong thực thi pháp luật. Đó chính là tham nhũng, móc nối với nhau để ăn chia lợi ích.

Bắt tay coi thường luật

Hàng loạt vụ sai phạm liên quan đến vấn đề quản lý đất đai đang đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết. Vụ xây khu nghỉ dưỡng ngay giữa Vườn quốc gia Ba Vì mà không có đề án, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, rồi vụ hàng loạt căn nhà nằm trong khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn ở Ba Vì, Hà Nội xây dựng không phép. Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến những câu chuyện rất “liên quan” đến nhau đó?

Tôi nghĩ rằng ở câu chuyện xây khu nghỉ dưỡng trong vườn quốc gia, để xảy ra như thế là do Ban quản lý Vườn Quốc gia đã thông đồng với doanh nghiệp để xây dựng.

Trong trường hợp này khó trách chính quyền cấp xã vì cấp xã khó giám sát được việc thực thi pháp luật trong Vườn quốc gia. Ban quản lý vườn đã đồng lõa với chủ đầu tư thì chịu rồi. Hai bên đã ký hợp đồng liên kết liên doanh với nhau, Ban quản lý được 8 tỷ đồng cơ mà.

Ở góc độ quản lý Nhà nước thì nó bộc lộ lỗ hổng nào ở đây ạ?

Tôi cho lỗi là đã bổ nhiệm ông giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì không đúng người, kém phẩm chất đạo đức, thực thi các quy định chưa nghiêm và người chịu trách nhiệm cuối cùng chính là những người trong ban quản lý này.

Tình trạng xây dựng không phép dường như không hiếm?

Trong câu chuyện xây khu nghỉ dưỡng giữa vườn quốc gia thì không phải là xây dựng không phép, mà theo quy định phát triển rừng, các vườn quốc gia có những phần có thể quy hoạch làm du lịch sinh thái thì được làm nhưng phải lập dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cái sai là ở chỗ này, họ không làm dự án mà tự động liên kết với Vườn Quốc gia. Mà theo quy định của Luật đất đai thì Vườn Quốc gia không được phép đứng ra ký hợp đồng liên doanh liên kết được.

Rõ ràng trong quản lý có nhiều kẽ hở để người ta lợi dụng?

Thực ra trong việc này thì chỉ cần ông giám đốc Vườn Quốc gia thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì không có vấn đề gì.

Nhưng khi họ đã bắt tay nhau coi thường luật thì sai phạm mới xảy ra. Vậy nên lỗi do người thực thi chứ không phải do luật có lỗ hổng. Không có dự án mà vẫn làm thì tôi thấy họ quá coi thường pháp luật, đó là lỗi cực nặng.

Huyện “chống lưng” cho doanh nghiệp?

Vì sao người ta lại không làm dự án đúng với quy trinh, phải chẳng việc này nó khó và tốn kém hơn?

Không có dự án mà cứ thế làm, rồi quảng cáo rầm rộ. Chắc có lẽ làm dự án thì khó khăn hơn, sẽ phải viết dự án, báo cáo tác động môi trường, đưa ra những cam kết về bảo vệ Vườn Quốc gia… Đó là quy trình phức tạp, và phải như thế thì mới quản lý được.

Có lẽ là nó cũng tốn kém?

Đầu tư thì phải chịu tốn kém, chứ không có chuyện vì tôi ít tiền quá nên cho tôi bỏ qua các quy định của pháp luật. Hơn nữa giống như vụ việc khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn, xã báo cáo lên huyện, huyện không có phản ứng gì. Rồi đến giờ cũng chẳng biết ai là chủ đầu tư. Không hiểu quản lý đất đai nước mình còn đi đến đâu với những câu chuyện khó hiểu như thế này.

Cái này thì đúng là khó giải quyết?

Thì xã báo cáo lên nhưng huyện tỉnh bơ bảo không biết. Tôi cho rằng bởi tham nhũng và làm việc dựa trên các mối quen biết để làm việc thì mới như thế. Vụ xây khu nghỉ dưỡng trong Vườn Quốc gia còn chỉ ra được chủ đầu tư, còn có ban quản lý nhận trách nhiệm chứ vụ Điền Viên Thôn thì thậm chí không biết chủ đầu tư là ai.

Tại sao huyện không vào cuộc khi xã nhiều lần báo cáo, đặt ra câu hỏi là liệu huyện có “chống lưng” cho người nào xây dựng không phép, không có quyền sử dụng đất?

Đó là sai phạm lớn?

Không phải lớn mà là quá lớn. Lấn chiếm đất ngang nhiên trong chừng ấy năm, quảng cáo rầm rộ mở bán mà không cơ quan chức năng nào vào cuộc để làm rõ. Xã biết cũng không làm gì được. Đây chính là lỗi trong thực thi pháp luật.

Trong khi theo quy định thì cấp xã là cấp cơ sở chịu trách nhiệm phát hiện vi phạm pháp luật trên địa bàn và yêu cầu đình chỉ trong phạm vi quyền hạn của mình. Nếu ngoài phạm vi quyền hạn thì phải báo cáo ngay lên cấp trên. Cấp huyện phải giải quyết ngay .

Trong 3 ngày xã phải báo cáo, trong 1 ngày huyện phải giải quyết ngay. Nhưng đây họ để tồn tại đến 8 năm, xã báo cáo nhiều lần mà huyện không nói gì.

Cái này thì sai ở cấp nào?

Cấp huyện, đến mức họ không biết chủ đầu tư là ai.

Thế thì xử lý thế nào được?

Tôi nghe nói huyện Ba Vì đang có kế hoạch dỡ bỏ hết những công trình sai phạm này. Và chắc chắn sẽ có những người phải chịu trách nhiệm.

Cái giá của thượng tôn pháp luật

Theo ông thì giải pháp nào cho những câu chuyện chúng ta vừa bàn? Làm thế nào để không tái diễn tình trạng lâu lâu lại “khui” ra một vụ sai phạm tưởng như ai cũng biết, chỉ chính quyền không biết?

Trong hoàn cảnh hiện nay, tốt nhất là phá. Phá bỏ tất cả các công trình có vi phạm, không để tình trạng phạt cho tồn tại như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm.

Để rồi chính doanh nghiệp bắt tay với chính quyền cấu kết để tham nhũng, phạt cho có rồi sai phạm lại vẫn cứ nối tiếp sai phạm. Đã đến lúc phải giải quyết tất cả những cái sai trái, chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại”. Và như thế sẽ tiếp tay cho tham nhũng.

Phải chăng từ trước đến nay chúng ta xử lý sai phạm trong lĩnh vực này chưa nghiêm?

Nói thẳng là có tham nhũng. Một phần lớn là như thế. Cứ đưa phong bì rồi “phạt cho tồn tại”. Rồi nhiều khi chúng ta vẫn quen kiểu quản lý theo trình tự ưu tiên các mối quen biết, rồi cộng cả phong bì vào nữa thì người ta hay xử lý theo kiểu không thiệt hại cho người làm trái pháp luật.

Nhưng ở góc độ là một người dân thì tôi thấy phá bỏ hết những công trình như thế thì đáng tiếc quá?

Đó là cái giá của thượng tôn pháp luật, giá phải trả để xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Rõ ràng việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền quan trọng hơn việc phá dỡ một công trình sai phạm.

Có làm như thế thì những kẻ có ý định coi thường pháp luật mới không dám làm láo, không dám làm liều. Còn cứ buông lỏng thì đấy, cả một khu nghỉ dưỡng to đùng như thế, mấy chục căn biệt thự xây lên 7-8 năm nay rồi mà hỏi ai là chủ đầu tư không biết. Xã bảo đã báo cáo lên huyện, huyện thì im lặng bảo cũng không biết.

Cứ buông lỏng thì nhiều khi chính quyền chống lưng cho doanh nghiệp làm bậy. Nên trong những công trình này, dù có tốn kém, có tiếc, cũng phải phá dỡ hết thì mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Nhưng giải quyết những cái này có khi cũng khó, vì nó còn vướng “ông nọ bà kia”?

Mọi người là bình đẳng, đã đến lúc phải gạt những ông bà ấy ra khỏi phạm trù này. Hơn nữa việc xử lý nghiêm hay không là cơ hội để chúng ta thoát ra khỏi là một nước có cái bẫy thu nhập trung bình.

Không làm được thì không thoát được bẫy thu nhập trung bình, bất công bằng vẫn tồn tại, năng suất kém thì khó mà phát triển được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tọa lạc ở độ cao 600m giữa Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), khu nghỉ dưỡng bề thế với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi… được phát hiện xây dựng không phép. Công trình mang tên Le Mont Bavi Resort&Spa do Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) sắp đi vào hoạt động thì bị phát hiện là chưa được phê duyệt dự án và chưa có giấy phép xây dựng.

Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn thuộc thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội gồm nhiều căn biệt thự sầm uất, mang phong cách mới mẻ, bắt đầu được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012. Toàn bộ những công trình xây dựng này đều không được các cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Đáng chú ý, các công trình xây dựng này đã bị UBND xã Yên Bài lập biên bản vi phạm về việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà không có giấy phép và ban hành nhiều quyết định đình chỉ thi công, thế nhưng nhiều năm qua công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Tô Hội (thực hiện)