Nọc rắn được cấu thành từ các nhóm chính Protein và enzyme.Các protein này có thể là hỗn hợp thuộc nhóm neurotoxin (tác động thần kinh), hemotoxin (tác động hệ tuần hoàn), cytotoxin (tác động tế bào), bungarotoxin và nhiều loại độc tố khác có tác động tới cơ thể theo các cách thức khác nhau. Gần như tất cả các loại nọc rắn đều chứa hyaluronidaza, một enzyme đảm bảo sự khuếch tán nhanh của nọc.
Nọc rắn có rất nhiều tác dụng được ứng dụng trong y học. Đáng chú ý nhất là các tác dụng với bệnh tim mạch: Hạ huyết áp, chống huyết khối trong đột quỵ, ức chế tế bào ung thư, giảm đau bảo vệ thần kinh…
L-amino acid oxidase (LAAO) trong nọc rắn tạo ra các loại oxy phản ứng gây chết tế bào ung thư, đặc biệt hiệu quả với ung thư phổi và ung thư gan.
Hyaluronidaselà enzym giúp nọc lan rộng nhanh chóng trong mô, nhưng cũng là chìa khóa trong y học tái tạo để cải thiện khả năng hấp thụ thuốc vào mô liên kết.
Peptide được coi là những chiến binh nhỏ bé trong nọc rắn hổ mang được nghiên cứu phát triển thành thuốc hạ huyết áp Captopril.
Disintegrins: Trong nọc rắn lục có khả năng ngăn chặn mạch máu nuôi khối u, mở ra tiềm năng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Nọc rắn quý hơn vàng… điều chế thuốc cứu người - Ảnh minh hoạ |
Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Mỹ (2022) cho thấy, L-amino acid oxidase từ nọc rắn có khả năng tiêu diệt 85% tế bào ung thư vú trong thí nghiệm mà không gây tổn thương tế bào lành. Disintegrins trong nọc rắn giúp giảm kích thước khối u 40% ở bệnh nhân ung thư buồng trứng.
Crotalphine là thuốc giảm đau không gây nghiện được chiết xuất từ nọc rắn đuôi chuông có khả năng giảm đau mãn tính mạnh hơn morphin nhưng không gây nghiện.
Người ta cũng nghiên cứu, ứng dụng nọc rắn trong một số bệnh lý như tiểu đường, chống nhiễm khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn kháng thuốc…
Nọc rắn không chỉ là cứu tinh trong y học mà còn được sử dụng trong ngành công nghiệp làm đẹp: Syn-Ake, một peptide tổng hợp mô phỏng nọc rắn, đã được phát triển bởi các nhà khoa học Thụy Sĩ được chứng minh giúp giảm 25% nếp nhăn chỉ sau 3 tuần sử dụng.
Nghiên cứu của Viện Da liễu Tokyo cho thấy các yếu tố tăng trưởng trong nọc rắn giúp kích thích sản sinh collagen, tăng tốc độ lành vết thương lên đến 40%.
Nọc rắn tuy có nhiều công dụng bất ngờ trong y học, nhưng có thể gây nguy hiểm nếu dùng sai cách. Các ứng dụng y học đều cần liều lượng chính xác và giám sát chuyên môn.Một số bệnh nhân có thể dị ứng với sản phẩm từ nọc rắn. Do đó, tuyệt đối không tự ý sử dụng nọc rắn làm thuốc.