ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, khi bị rắn độc cắn, tuỳ theo loại rắn và lượng nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhiều hay ít mà xuất hiện các triệu chứng tại chỗ và toàn thân nhanh hay chậm và nặng hay nhẹ.
Tại chỗ thường xuất hiện dấu hiệu sưng tấy, phù nề và hoại tử lan dần ra xung quanh. Toàn thân có thể xuất hiện tình trạng sốc, phù phổi cấp, xuất huyết nội tạng, liệt các chi thể, liệt hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Khi bị rắn độc cắn, trước hết cần:
- Không để nạn nhân tự chạy, tự đi. Khẩn trương tiêm huyết thanh chống nọc đặc hiệu (nếu có).
- Băng ép trên chỗ bị cắn cách 5 - 10 cm đủ chặt sao cho máu động mạch vẫn qua lại được.
- Chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sử dụng huyết thanh kháng nọc. Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.
Khi bị rắn cắn, cố gắng ghi nhớ hình dạng của nó và mô tả cho bác sĩ. Nếu con rắn đã chết, cần mang đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể sử dụng huyết thanh kháng nọc độc của từng loài.
Khi bị rắn cắn cần sơ cứu đúng và nhanh chóng đến bệnh viện để tránh - Ảnh minh họa |
BS Khổng Thị Bích Phương, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cảnh báo, sai lầm trong sơ cứu rắn cắn có thể khiến độc tố di chuyển vào máu nhanh hơn gây ra các rối loạn nguy hiểm như liệt thần kinh, liệt cơ hô hấp, rối loạn đông máu nặng, sốc tim…Vì vậy, khi bị rắn cắn cần lưu ý khi sơ cứu:
Với vết cắn do rắn độc gây nên không được chích, rạch vết cắn để ép nọc độc ra ngoài vì sẽ làm người bệnh chảy máu không cầm, dẫn đến mất máu cấp tính, đe dọa đến tính mạng.
Không đắp lá lên vết cắn để tránh nhiễm khuẩn. Khi bị rắn cắn, không được băng ép vết thương vì sẽ làm nặng thêm vết thương và có thể gia tăng nguy cơ xâm nhập nọc độc vào trong máu của người bệnh.
Không nên garo chi bị cắn bằng dây cao su vì đây là phương pháp gây tắc nghẽn hoàn toàn lưu thông của dòng máu, nếu garo quá lâu có thể gây ra thiếu máu có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi.
Không cho bệnh nhân uống rượu hoặc các chất kích thích để giảm đau. Hạn chế can thiệp vào vết cắn như rạch chích hoặc hút lấy nọc độc.