Những ngày qua, nhiều tiểu thương kinh doanh, buôn bán hoa quả tại chợ Nam Thành (phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) gửi đơn đến các cơ quan chức năng của TP Ninh Bình và UBND tỉnh Ninh Bình để khiếu nại về chủ trương di chuyển địa điểm đến chợ đầu mối tổng hợp (Ninh Tiến, TP Ninh Bình).
Chợ Nam Thành thuộc địa bàn phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. |
Tiểu thương phản đối…
Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, bà Trần Thị Thể (tiểu thương kinh doanh 16 năm tại chợ Nam Thành) cho biết, tại chợ đầu mối Nam Thành, các tiểu thương được Ban quản lý chợ quy hoạch bố trí vị trí chỗ ngồi ổn định, luôn chấp hành các nội quy, quy định của chợ. Mọi hoạt động kinh doanh thu mua trái cây, nông sản của tiểu thương đều bình thường từ năm 2006 đến nay.
“Từ cuối năm 2022, khi chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình (mọi người hay gọi là chợ “Ông Chất”, TP Ninh Bình) đi vào hoạt động, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Nam Thành liên tục bị một số người gây sức ép, như: cấm bốc dỡ, thu mua hàng hóa trước 4h sáng, dọa cắt điện vào ban đêm, lắp các biển báo giao thông xung quanh chợ cấm xe ô tô trên 1,25 tấn ra vào… để buộc di chuyển đến chợ mới”, bà Trần Thị Thể nói.
Tiểu thương Trần Thị Thể (ngồi đầu tiên bên trái), cùng các tiểu thương chợ Nam Thành chia sẻ thông tin với phóng viên. |
Theo vị tiểu thương này, chợ Nam Thành đã được chuyển thành chợ dân sinh và chỉ hoạt động từ 4h sáng đến 21h hàng ngày từ cuối năm 2022.
Bà Thể cũng cho biết, do chợ Nam Thành đã hoạt động nhiều năm, là địa điểm kinh doanh quen thuộc với các mối hàng từ tỉnh khác, nên nhiều tiểu thương lo ngại nếu chuyển vào chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình sẽ mất hết các mối làm ăn.
“Qua tìm hiểu, thực chất chợ mới do tư nhân đầu tư xây dựng, muốn vào kinh doanh tại chợ tiểu thương phải nộp nhiều khoản tiền với mức thu quá cao. Đó là chưa tính các khoản vệ sinh môi trường, phí bảo vệ, phòng cháy,… Nếu thuê 1 ki-ốt tại chợ mới, với diện tích khoảng 40m2 thì chúng tôi phải nộp tiền tỷ. Còn tại chợ Nam Thành, giá thuê ki-ốt là 20 nghìn đồng/m2, thu 6 tháng/1 lần”, bà Thể cho biết.
Nhiều tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ Nam Thành căng băng rôn kêu cứu. Các tiểu thương mong muốn vẫn được hoạt động buôn bán ở đây, không muốn chuyển địa điểm đến chợ đầu mối mới. |
Chợ dân sinh… buôn bán phải chấp hành quy định
Nhằm thông tin khách quan và đa chiều vụ việc, ngày 3/3, phóng viên đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Phạm Đức Thế - Chủ tịch UBND phường Nam Thành (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND phường Nam Thành cho biết, chợ Nam Thành hiện có khoảng 72 tiểu thương đang kinh doanh. Chủ trương của thành phố ngay từ đầu quy hoạch chợ Nam Thành là chợ dân sinh hạng 3 do phường Nam Thành quản lý. Tuy nhiên trong những năm gần đây, chợ Nam Thành hoạt động có tình trạng mất an ninh trật tự, mất trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tranh giành bốc vác, có dấu hiệu cầm đầu trong việc bắt chẹt các nhà xe để thu lợi bất chính. Đầu năm 2020 chợ Nam Thành xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo nên UBND phường Nam Thành đã cho chợ tạm dừng, chuyển tạm ra qua bờ kênh Đô Thiên để sửa chữa lại.
Ông Phạm Đức Thế nhấn mạnh: “Để lập lại an ninh trật tự, trật tự đô thị, an toàn giao thông… quản lý chợ Nam Thành theo đúng chủ trương là chợ dân sinh, phường đã xây dựng phương án, tập trung vận động, tuyên truyền cho các tiểu thương, tuyệt đối không cấm đoán kinh doanh, mà yêu cầu các tiểu thương phải chấp hành quy chế quản lý đô thị, chấp hành an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…Hiện bà con phản đối thời gian hoạt động từ 4h sáng đến 21h đêm. Nhưng chợ hạng 3 mô hình hoạt động dân sinh nên tất các các tiểu thương phải đảm bảo tuân thủ giờ giấc.
Trả lời về thông tin, tiểu thương cho rằng bị chính quyền sở tại o ép, gây khó dễ để buộc họ phải chuyển lên chợ đầu mối mới, Chủ tịch UBND phường Nam Thành khẳng định: “Từ khi bắt đầu cho đến bây giờ, phường chưa xử lý một trường hợp nào. Trong công tác vận động, nếu các tiểu thương cảm thấy chấp hành được các nội quy, quy định ở đây thì cứ việc kinh doanh ở đây. Nếu không thì tìm địa điểm kinh doanh để phù hợp vì quyền kinh doanh là của tiểu thương”.
Theo ông Phạm Đức Thế, Chính quyền giới thiệu chợ đầu mối đảm bảo các tiêu chuẩn, nếu các tiểu thương ở đây mà kinh doanh lượng hàng hóa quá lớn, không thực hiện được nội quy, quy định của chợ dân sinh này thì cũng nên tìm địa điểm kinh doanh cho phù hợp./.