Nhiều tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Nam Thành (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã căng băng rôn “kêu cứu”, không muốn chuyển địa điểm buôn bán đến chợ đầu mối mới được đầu tư gần 290 tỷ đồng.
Những ngày qua, nhiều tiểu thương kinh doanh, buôn bán hoa quả tại chợ Nam Thành (phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) liên tục căng băng rôn “kêu cứu”, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan chức năng của TP Ninh Bình và UBND tỉnh Ninh Bình để khiếu nại về chủ trương di chuyển địa điểm đến chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình (Ninh Tiến, TP Ninh Bình).
Chợ Nam Thành thuộc địa bàn phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Theo phản ánh của các tiểu thương, trước khi chợ Nam Thành đi vào hoạt động, do TP Ninh Bình chưa bố trí được điểm tập kết thu mua nông sản, hoa quả nên điểm kinh doanh đã được thành phố bố trí tại khu vực Âu thuyền Sông Vân.
Năm 2006, chợ Nam Thành được nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng, thành phố Ninh Bình và phường Nam Thành đã vận động tiểu thương về đây kinh doanh. Do đó, chợ Nam Thành được gọi là “chợ đầu mối hoa quả”, vì ngoài các mặt hàng tiêu dùng bán lẻ, tại chợ này còn có hoạt động thu mua, bán buôn nông sản, hoa quả từ các địa phương khác.
Nhiều tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ Nam Thành căng băng rôn kêu cứu. Các tiểu thương mong muốn vẫn được hoạt động buôn bán ở đây, không muốn chuyển địa điểm đến chợ đầu mối mới.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thể (tiểu thương kinh doanh 16 năm tại chợ Nam Thành) cho biết: Tại chợ đầu mối Nam Thành, các tiểu thương được Ban quản lý chợ quy hoạch bố trí vị trí chỗ ngồi ổn định, luôn chấp hành các nội quy, quy định của chợ. Mọi hoạt động kinh doanh thu mua trái cây, nông sản của tiểu thương đều bình thường từ năm 2006 đến nay.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, khi chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình (mọi người hay gọi là chợ “Ông Chất”, TP Ninh Bình) đi vào hoạt động, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Nam Thành liên tục bị một số người gây sức ép, như: Cấm bốc dỡ, thu mua hàng hóa trước 4h sáng, dọa cắt điện vào ban đêm, lắp các biển báo giao thông xung quanh chợ cấm xe ô tô trên 1,25 tấn ra vào,… để buộc tiểu thương di chuyển đến chợ mới.
Đồng thời, chợ Nam Thành cũng nhanh chóng được chuyển thành chợ dân sinh và chỉ hoạt động từ 4h sáng đến 21h hàng ngày.
Tiểu thương chợ Nam Thành cho rằng, họ đang bị chèn ép để chuyển sang địa điểm chợ đầu mối mới khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
“Do chợ Nam Thành đã hoạt động nhiều năm, là địa điểm kinh doanh đã quen với các mối hàng từ tỉnh khác, nếu chuyển vào chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình chúng tôi sẽ mất hết các mối làm ăn.
Mặt khác, qua tìm hiểu, thực chất chợ mới do tư nhân đầu tư xây dựng, muốn vào kinh doanh tại chợ chúng tôi phải nộp nhiều khoản tiền với mức thu quá cao. Đó là chưa tính các khoản vệ sinh môi trường, phí bảo vệ, phòng cháy,… nếu thuê 1 ki-ốt tại chợ mới, với diện tích khoảng 40m2 thì chúng tôi phải nộp tiền tỷ. Còn tại chợ Nam Thành, giá thuê ki-ốt là 20 nghìn đồng/m2, thu 6 tháng/1 lần”, tiểu thương Trần Thị Thể chia sẻ.
Tiểu thương Trần Thị Thể (ngồi đầu tiên bên trái), cùng các tiểu thương chợ Nam Thành chia sẻ thông tin với phóng viên.
Tương tự, tiểu thương Trần Thị Phương Thoa cho hay, cùng thời điểm chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thì chợ Nam Thành cũng được chuyển thành chợ dân sinh hạng 3 do UBND phường quản lý, khiến việc kinh doanh của các tiểu thương gặp khó khăn, buôn bán đình trệ, hàng hóa thì bị hư hỏng.
“Chúng tôi chỉ mong các cấp có thẩm quyền cho phép chợ Nam Thành được hoạt động kinh doanh ổn định như trước kia”, bà Thoa nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Hoàng (tổ trưởng của một tổ bốc xếp gồm 30 người hoạt động tại chợ Nam Thành), cho biết: “Khi về chợ Nam Thành hoạt động, chúng tôi được Ban quản lý chợ và UBND phường sắp xếp cho một chỗ để bốc xếp hàng, cấm xe ô tô to vào chợ chúng tôi đồng ý.
Nhưng kể từ khi chợ đầu mối mới đi vào hoạt động, công việc của chúng tôi ở khu vực chợ Nam Thành liên tục bị o ép, công an xua đuổi không còn chỗ để xuống hàng, chở về ki-ốt cho bà con với lý do mất an ninh trật tự”.
Trước sự việc nêu trên, phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ làm việc với ông Phạm Đức Thế - Chủ tịch UBND phường Nam Thành (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) và thông tin đến độc giả ở bài viết sau.
Thêm một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại chợ Nam Thành ngày 28/2/2023:
Các tiểu thương kinh doanh, buôn bán hoa quả ở chợ Nam Thành chủ yếu ở các ki - ốt mặt ngoài chợ.
Ki-ốt được Ban quản lý chợ và chính quyền địa phương bố trí cho tiểu thương thuê kinh doanh.
Theo các tiểu thương, giá thuê ki-ốt ở chợ này chỉ khoảng trên 1 triệu đồng/tháng, tùy từng vị trí.
Đủ các mặt hàng hoa quả được buôn bán tại chợ Nam Thành.
Tuy nhiên nhiều tháng nay, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương ở chợ Nam Thành bị đình trệ, khó khăn.
Bên trong chợ chủ yếu bày bày bán các thực phẩm rau, củ, quả, thịt,... phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân địa phương.
Nội quy trước kia của chợ Nam Thành. (Ảnh bạn đọc cung cấp).
Bảng nội quy mới tại chợ Nam Thành.
Chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình có địa chỉ tại xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình.
Video: Tiểu thương chợ Nam Thành "kêu cứu":
Chợ đầu mối tổng hợp thành phố Ninh Bình (TP Ninh Bình) được khánh thành vào ngày 21/12/2022.
Dự án chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình là chợ hạng 1 đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, có diện tích hơn 2,1ha, với tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng.
Chợ do Công ty cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ Trường Sinh làm chủ đầu tư, quản lý, vận hành. Dự án nằm trong quy hoạch phân khu đô thị Ninh Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Chợ được thiết kế theo tiêu chuẩn chợ hạng 1 với 505 điểm kinh doanh gồm: 5 ki-ốt bán hàng, 3 đình chợ, khu vực bán hàng tổng hợp, sạp bán hàng trong nhà và ngoài trời.
Khi đi vào hoạt động, chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình sẽ tập trung các tiểu thương, tạo động lực thúc đẩy giao thương hàng hóa, nông sản, phát triển thương mại dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Dự án cũng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho khoảng trên 1.000 lao động.