Theo đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, hiện có rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (học bạ)... Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ được nhiều trường đại học đánh giá là “dễ” tuyển sinh, nhưng khó đảm bảo tính công bằng. Nguyên nhân là học bạ THPT có thể bị can thiệp để “làm đẹp” hơn phục vụ xét tuyển đại học.
Phương thức xét tuyển học bạ được nhiều trường đại học đánh giá là “dễ” tuyển sinh, nhưng khó đảm bảo tính công bằng. - Ảnh minh họa. Nguồn baochinhphu.vn |
Trường Đại học Kinh tế quốc dân bỏ xét tuyển học bạ
Năm 2025, Trường đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục bỏ phương thức xét tuyển học bạ và dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).
Từ năm 2024, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã không còn xét tuyển bằng học bạ. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết: "Qua nhiều năm, Trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỷ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức".
Trường ĐH Công thương TP HCM: Giảm 10% chỉ tiêu xét điểm học bạ
Trường dự kiến dành tối đa 20% chỉ tiêu để xét điểm học bạ trong mùa tuyển sinh năm 2025, giảm 10% so với năm 2024.
Lý giải về việc giảm chỉ tiêu, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho biết, điểm học bạ của các trường cấp 3 công lập và tư thục thường không đều nhau, khoảng cách chênh lệch lớn. "Điều này dẫn đến việc thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào", ông Sơn nói.
Năm 2025, Trường Đại học Công thương TP HCM dành 50-60% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần còn lại, trường dự kiến xét bằng điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Sư phạm TP.HCM.
Về tổ hợp xét tuyển, nhà trường dự kiến mỗi ngành không dùng quá 4 tổ hợp, Toán sẽ là môn chính. Riêng Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc, môn chính là Ngữ văn. Môn Tin học có thể được đưa vào tổ hợp xét tuyển các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu.