Khám phá

Những giống lợn quý cần bảo tồn

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam có hàng chục giống lợn đặc sản cho thịt thơm, ngon, chắc, giàu dinh dưỡng đã biến mất hoặc có nguy cơ biến mất do bảo tồn nguồn gene đúng cách.

Lợn nhiều mỡ không ai nuôi

Nói về những giống lợn đã tuyệt chủng ở Việt Nam, TS Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho biết, có thể kể đến là giống lợn Đen Pha từng được nói nhiều trước năm 1980, chúng có tầm vóc lớn, lưng không võng, mõm dài, bụng không sệ;  Lợn Thuộc Nhiêu ở Vùng Thuộc Nhiêu, Long An và lợn Ỉ mỡ được nuôi rất nhiều tại Miền Bắc trước những năm 1980. Lý do tuyệt chủng của các giống lợn này là do chính sách bảo tồn nguồn gene vật nuôi của Nhà nước mới có từ 1990, mấy giống này mất trước đó. Thời điểm đó, giống lợn này không đáp ứng nhu cầu lúc đó của thị trường và nông dân bỏ đi. Thí dụ như lợn Ỉ mỡ có quá nhiều mỡ, chậm lớn, dù thịt và mỡ rất thơm.

Giống lợn mà nhiều người biết đến nữa là nhóm lợn đen miền núi. Nhóm lợn đen có mặt ở các làng bản của các dân tộc thiểu số vùng núi kéo dài từ Lạng Sơn đến tận miền Tây Nam Bộ. Đa phần được nuôi thả rông. Chúng cũng có một số đặc điểm dễ nhận thấy như lợn rừng: có lông chụm 3, răng nanh. Nhiều giống lợn có sự suy giảm mạnh về số lượng quần thể,   ví dụ như lợn Ỉ mỡ và lợn Ỉ gộc. Thống kê năm 1969 cả hai giống này vẫn còn 2 triệu con. Nay chỉ còn lợn Ỉ gộc được nuôi tại Thanh Hóa với tổng số 50 con. Giống này dễ nuôi, mỡ thơm, thịt ngon nhưng ít thịt. Lợn Ba Xuyên trước đây có khá nhiều ở vùng miền Tây Nam Bộ. Nay chúng chỉ còn nuôi bảo tồn tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và dân nuôi tại huyện Tri Tôn (An Giang). Hiện nay, đàn lợn tại Tri Tôn còn khoảng 400 con nhưng bị lai tạp. Lợn này đang đứng trên bờ tuyệt chủng do không được nhân thuần mà cái được lai với lợn đực ngoại.

Theo TS Võ Văn Sự, những giống lợn bản địa này có các ưu điểm vượt trội so với những giống lợn khác. Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Diệu Thúy và các nhà khoa học tại CHLB Đức năm 2006 trên 343 mẫu từ 5 giống lợn bản địa Việt Nam (Mường Khương, Táp Ná, Cỏ, Mẹo, Móng Cái và 2 giống lợn ngoại nuôi tại Việt Nam (Landce và Yorkshire) và 3 giống lợn nuôi tại Đức (German Landrace, Pie´train và Large White), giống lợn Meishan Trung Quốc và lợn đực rừng châu Âu. Tất cả các thể được phân tích kiểu hình. Kết quả cho thấy, các giống bản địa Việt Nam thể hiện sự đa hình cao hơn, đa dạng kiểu hình và biến dị (heterozygosity) cao hơn các giống lợn khác. Do sự đa dạng di truyền lớn nên việc bảo tồn các giống lợn bản địa Việt Nam rất có ý nghĩa.

Tăng trọng ít, thịt thơm ngon

TS Võ Văn Sự cho biết, giá các loại lợn bản địa, lợn thuần chủng được nuôi tự nhiên thường gấp đôi lợn công nghiệp. Giá lợn đen bản địa thường dao động từ 100.000 – 180.000đ/kg, trong lúc đó lợn công nghiệp khoảng 40.000 - 60.000đ/kg. Lợn bản địa sinh sản ít (7 - 8 con/lứa) so với lợn công nghiệp là 10 - 15 con. Tăng trọng của lợn đen bản địa chỉ 3 - 5kg/tháng, trong lúc đó lợn công nghiệp là 0,8 - 1kg/ngày. Thức ăn của lợn công nghiệp là thức ăn công nghiệp, đắt tiền, và bị chi phối bởi thị trường ngoài nước, đặc biệt là tăng cao dần, đến nỗi người dân khó có lãi. Trong lúc đó thức ăn cho lợn bản địa là các loại phế phụ phẩm. Lợn công nghiệp bị cho là dùng các loại thức ăn tăng trọng thậm chí là chất độc, ngược lại với các loại thịt lợn bản địa.

Sự khác biệt làm nên giá trị của lợn bản địa là chất lượng thịt. Lợn thịt công nghiệp nạc, nhưng bị cho là “xác, không có mùi vị, không “ngậy ngậy” như lợn đen bản địa: thơm, ngậy do mỡ đặc trưng. Mỡ lợn bản địa được cho là có axit béo không no, nên ăn không ngấy và nhiều người còn thích “ăn vã”, ngược với các loại lợn công nghiệp. Trước đây nó từng bị lợn ngoại cạnh tranh vì cần đáp ứng nhu cầu số lượng và giá cả. Ngày nay nó đang quay trở lại. Nhưng làm thế nào để tăng lượng thịt lợn bản địa lên mà vẫn giữ được “bản chất” là một vấn đề.  

Do bị giết thịt đi quá nhiều và không có kế hoạch bảo tồn, phát triển nên những giống lợn bản địa đang có nguy cơ suy giảm dần. Điều này có thể thấy rõ như đàn lợn Vân Pa (Quảng Trị) hoặc lợn đen ở xã Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) mất đi nhanh chóng khi có đường cao tốc mở ra, hoặc dân dưới xuôi đến làm kinh tế và nuôi lợn công nghiệp thay vì lợn bản địa của người dân tộc thiểu số từng nuôi. Hoặc chết do bệnh tật hoặc bị lai cấp tiến với các giống khác.

Nuôi lợn lấy nội tạng ghép cho người

TS Võ Văn Sự cho biết thêm, năm 2007 các nhà khoa học Pháp đã có ý định nghiên cứu khả năng sử dụng lợn Vân Pa, một giống lợn bản địa của Việt Nam vào việc ghép nội tạng của lợn cho người. Có thể cũng cùng mục đích, năm 2012 các nhà khoa học Nhật đã xây dựng một đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm trong các giống lợn bản địa Việt Nam các cá thể không mang virus retro nội sinh ở lợn “Porcine endogenous retrovirus” (Retrovirus có chứa RNA có thể chuyển các vật liệu di truyền của nó thành DNA trong tế bào ký chủ được cho là có liên quan đến sự phát triển một số khối u – virus này có thể “bám” theo genome của lợn và khi chuyển tế bào lợn cho người sẽ đi theo vào người. Điều này cho thấy, ngoài giá trị về thực phẩm, các giống lợn bản địa Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng với y học do những đặc tính vượt trội về kiểu gene.

Cũng theo TS Võ Văn Sự, giống lợn Việt Nam có từ lâu lắm và đang đóng vai trò quan trọng ít nhất cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Sự hao hụt nhìn chung cho các giống lợn bản địa, là do sự tranh chấp với các giống ngoại vì năng suất giống lợn ngoại cao hơn hẳn giống nội. Để bảo tồn giống, phải làm tại chỗ, tức vẫn nuôi những con lợn đó ở tại nơi mà nó được sinh ra và lớn lên. Để an toàn hơn thì giống vật nuôi cũng được bảo tồn ở một nơi khác xa hơn... và có phần hỗ trợ từ Nhà nước kết hợp với dân chúng bảo tồn và khai thác.

Hà Bình