Dữ liệu y khoa

Những điều cần biết khi phẫu thuật nâng mũi

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Nâng mũi là phẫu thuật ít xâm lấn nên không phải là chống chỉ định tuyệt đối khi mang thai ở giai đoạn sau của thai kỳ (sau 3 tháng).

Cân nhắc khi nâng mũi

Có rất nhiều lý do để nâng mũi nhưng những người có sống mũi thấp, trên 18 tuổi, sức khỏe tốt, có nhu cầu chỉnh sửa nâng cao sống mũi mới nên nâng. 

Nâng mũi là phẫu thuật ít xâm lấn nên không phải là chống chỉ định tuyệt đối khi mang thai ở giai đoạn sau của thai kỳ (sau 3 tháng). Tuy vậy không nên can thiệp bất cứ phẫu thuật gì trong thời gian này. Trong thời kỳ cho con bú, để tận dụng thời gian nghỉ dưỡng có thể cân nhắc phẫu thuật ở lúc gần cuối kỳ nghỉ. 

Còn với những người có bệnh viêm xoang, viêm mũi nếu có nhu cầu nâng mũi cũng cần lưu ý: Xoang là các hốc nằm ở trong xương còn chất liệu nâng sống mũi đặt ở trên bề mặt của xương, do đó, phẫu thuật nâng mũi không làm nặng lên bệnh viêm xoang. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu nâng mũi cũng không nên làm phẫu thuật trong đợt viêm xoang cấp vì chảy mũi, lau, quệt mũi có thể làm ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật. 

Những người có tiền sử dị ứng cũng nên thông báo với bác sĩ để có cách xử lý trước, trong và sau mổ. Thực ra chất liệu độn là silicon rắn, có tính trơ, hầu như rất hiếm phản ứng với cơ thể. Tuy nhiên, cũng giống như người viêm xoang, không nên phẫu thuật vào thời điểm đang bị viêm mũi để tránh ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật.

Nâng mũi có đau đớn?

Thông thường nâng mũi được tiến hành khi có gây tê tại chỗ. Tuy vậy, bệnh nhân chỉ có cảm giác đau khi tiêm thuốc tê và hoàn toàn không có cảm giác trong suốt thời gian phẫu thuật. Sau mổ vài giờ (khi hết thuốc tê) bắt đầu có cảm giác đau nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng dịu đi khi dùng thuốc giảm đau. Sau mổ vài ba ngày chỉ còn cảm giác căng tức nhẹ và sẽ trở về bình thường sau một vài tuần. Một số bệnh nhân lệch vách ngăn mũi nhưng có nhu cầu nâng mũi, trong trường hợp này, lệch vách ngăn tuỳ mức độ mà có thể không ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật hoặc là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng dần mức độ lệch sống mũi. Vì thế nên cân nhắc khi quyết định nâng mũi. Nếu bệnh nhân muốn nâng mũi, bác sĩ có thể tiến hành bằng cách, chỉnh vách ngăn mũi trước khi đặt chất liệu dựa vào phim chụp cắt lớp, đánh giá tình trạng vách ngăn mũi.

Đối với chất liệu nâng mũi, nhiều người nhầm tưởng kỹ thuật tạo hình mũi sử dụng chất liệu sụn vành tai là đủ nhưng thực tế, sụn vành tai có số lượng rất nhỏ, chỉ đủ một lớp mỏng bọc ở đầu mũi trong những trường hợp cần làm dài đầu mũi khi da đầu mũi mỏng. Như vậy, để nâng sống mũi luôn phải sử dụng chất liệu đặt sống mũi nhân tạo (trừ khi chỉ chỉnh sửa đầu mũi). Sụn sườn do có nhiều bất lợi khi sử dụng (phải gây mê lấy sụn, để lại sẹo ở ngực nơi lấy sụn, đôi khi xảy ra biến chứng thủng màng phổi khi lấy sụn, có nguy cơ tiêu bớt và làm cong vẹo, thay đổi dáng mũi theo thời gian). Trong khi đó, sụn nhân tạo an toàn, nhiều kiểu dáng, dễ gọt, không thay đổi hình dáng theo thời gian và độ trơ cao, hiếm gây phản ứng thải loại nên ở các nước có nền phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ phát triển, sụn sườn không còn được sử dụng rộng rãi nữa (trừ một số rất ít trường hợp đặc biệt như sống mũi quá ngắn, nâng mũi sau chấn thương, nâng mũi sau phẫu thuật đặt sống mũi nhiều lần…). Hơn nữa, hiện nay nhiều chất liệu bọc đầu mũi nhân tạo khá an toàn cũng đang dần thay thế sụn vành tai.

Các biến chứng có thể gặp

Sau khi tiến hành nâng mũi, bệnh nhân không cần kiêng ăn bất cứ loại thức ăn gì trừ khi dị ứng hoặc chỉ kiêng tôm, cua, hải sản, đồ ăn lạ... nếu có cơ địa dị ứng. Không nên động chạm vào mũi, đặc biệt là vết mổ. Không nên đeo kính trong khoảng 1 tháng đầu sau mổ. Bệnh nhân không nên lo lắng nhiều trong 3 tuần đầu vì đây là thời gian mũi sưng nề, tụ máu, dáng mũi thay đổi, không phải là dáng mũi sau này. Cần nhớ, tư thế nằm ngủ hoàn toàn không ảnh hưởng đến vị trí chất liệu, nằm nghiêng không thể làm lệch mũi như nhiều người vẫn tưởng (nếu có lệch là do nguyên nhân khác).

Bầm tím và sưng nề thường hết sau 1-2 tuần. Nhiễm trùng có thể xuất hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc muộn sau vài tuần đến vài tháng, thường biểu hiện bằng sưng đỏ khu trú, bùng nhùng, chảy dịch. Trường hợp này  nên xử lý sớm bằng kháng sinh mạnh hoặc tháo chất liệu. Một biến chứng nữa cũng hay gặp là mũi lệch, cong, quá dài, quá ngắn...có thể sửa lại, tốt nhất là sửa sau 3-6 tháng. Hiện tượng đỏ đầu mũi nếu không phải là do đặt sống quá cao, quá dài thì có thể là phản ứng chất liệu (hiếm khi xảy ra), cần xử lý theo nguyên nhân. Thủng đầu mũi, lòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi là những biến chứng khá nặng nề, làm thay đổi hình dáng mũi ngay cả khi tháo chất liệu, trường hợp này hay xảy ra với các đối tượng thực hiện phẫu thuật mà không được đào tạo bài bản hoặc theo dõi không sát, xử lý biến chứng không kịp thời sau mổ.

Khánh Thủy