Trong nước

Những con phố Hà Nội, nghe tên là muốn ăn…

  • Tác giả : Quốc Lê
Trong 36 phố phường Hà Nội xưa, có những con phố mang tên đặc sản hấp dẫn, chỉ nghe đến tên đã khiến khối người "ứa nước miếng". Đó là những phố nào?

Gọi tên phố nhớ ngay món ăn

Phố Chả Cá dài khoảng 180m, kéo dài từ Hàng Mã đến Lãn Ông ở trung tâm phố cổ Hà Nội. Lịch sử tên gọi Chả Cá rất đặc biệt, khác với các phố khác trong 36 phố phường Hà Nội.

Chuyện bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, khi gia đình họ Đoàn ở nhà số 14 nghĩ ra một món ăn đặc biệt: Lấy cá nướng làm chả ăn với bún và một số gia vị như mắm tôm, bột nghệ... được nhiều người khen ngợi. Gia đình này đã mở cửa hiệu bán món ăn ấy và gọi tên là hiệu Chả Cá Lã Vọng.

Dần dần món chả cá ấy được ưa thích, nổi tiếng khắp Hà thành. Người dân quen miệng gọi phố có hiệu chả cá là phố Chả Cá, từ đó trở thành tên gọi chính thức.

Ngày nay, phố Chả Cá là nơi buôn bán sầm uất của khu phố cổ Hà Nội. Nhà hàng Chả Cá Lã Vọng ở số 14 vẫn hoạt động, là địa điểm nổi tiếng nhất con phố này.

Điểm đến không thể bỏ qua

Phố Hàng Rươi dài 108m, kéo dài từ Hàng Lược đến Hàng Mã ở phía Bắc khu phố cổ Hà Nội. Tên phố Hàng Rươi có nguồn gốc từ loại hàng hóa đặc biệt được bán thời xưa - đó là con rươi.

Rươi một loài động vật thuộc họ giun nhiều tơ, có vẻ ngoài “nhầy nhụa, nhớp nháp” không mấy dễ nhìn nhưng lại là món ăn quý của đất Bắc. Thời ấy phố Hàng Rươi nằm gần bến sông Hồng. Hằng năm, cứ vào mùa rươi có nhiều người mang rươi từ các tỉnh lân cận đến bán, họp thành chợ.

Vào thời gian này, trên phố xuất hiện nhiều quán rươi, thu hút những thực khách sành sỏi đến thưởng thức các món ăn thơm lừng hấp dẫn từ rươi như chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi nấu, nem rươi, rươi kho, rươi rang…

Ngày nay, phố Hàng Rươi không còn là chợ bán rươi nữa. Dù vậy, hình ảnh của con rươi không mất hẳn mà vẫn hiện diện lác đác vào mùa rươi với những gánh rươi bán dạo hay quán chả rươi vỉa hè.

Phố Hàng Mắm là con phố dài khoảng 190 mét, kéo dài từ đường Trần Quang Khải đến ngã ba Hàng Bạc – Hàng Bè, ở phía Đông khu phố cổ Hà Nội. Thời xưa, đoạn phía Tây của phố là trung tâm buôn bán mắm của Hà Nội.

Mắm trên phố được bán buôn là chính, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ do thương lái mang đi các tỉnh. Những năm 1930 phố có thêm cửa hàng buôn các đồ hải sản để nấu cỗ như vây cá mập, bóng cá dưa, bóng cá thủ, sá sùng, tôm, mực khô...

Về nghề bán mắm ở phố Hàng Mắm, từ năm 1884, bác sĩ Hocquard đã mô tả: “…Trong cửa hàng bán mắm, vịt ướp, cá khô treo trên trần nhà. Mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”. Năm 1934, Bonifaci viết: “Phố Hàng Mắm bốc mùi khó chịu, trong nhà bán tôm, cá khô…”.

Ngày nay, dấu tích nghề bán mắm không còn hiện diện trên phố Hàng Mắm. Nhắc đến con phố này, nhiều người Hà Nội sẽ nghĩ đến một nghề khá đặc biệt, đó là nghề làm bia mộ.

Quốc Lê