Trong nước

Vụ cựu trung úy cảnh sát bị bắt: Vì sao vẫn…“dùng nhục hình”?

  • Tác giả : Tâm Đức
Lưu Quang Trung, cựu trung uý, điều tra viên cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vừa bị bắt để điều tra tội dùng nhục hình liên quan cái chết của người đàn ông 31 tuổi.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa ra quyết định khởi tố, bắt bị can Lưu Quang Trung, chức vụ khi phạm tội là trung úy, điều tra viên, cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) để điều tra về tội dùng nhục hình theo Điều 373 Bộ luật Hình sự.
Điều tra ban đầu, trưa ngày 22/3, anh Vũ Minh Đức, 31 tuổi, đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành để làm việc theo giấy triệu tập, do liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng.
Đến khoảng 15h cùng ngày, gia đình anh Đức được cán bộ công an huyện thông báo “trong lúc lấy lời khai ông Đức thì ông Đức ngất xỉu được đưa đi Bệnh viện Long Thành cấp cứu, sau đó được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM".
Vu cuu trung uy canh sat bi bat: Vi sao van…“dung nhuc hinh”?

Trụ sở Công an huyện Long Thành (Ảnh: UBND huyện Long Thành)

Đến khoảng 21h30 cùng ngày, người thân nhận được thông tin ông Đức đã tử vong. Giấy báo tử của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), nguyên nhân ông Đức tử vong là do hôn mê sau ngưng hô hấp tuần hoàn theo dõi tổn thương não sau ngưng tim; suy thận cấp (tổn thương thận cấp); suy gan cấp (tổn thương gan cấp), tổn thương phần mềm đùi phải, trái.
Cho rằng cái chết của anh Đức là bất thường, gia đình đã yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra. Ngày 5/9, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố vụ án Dùng nhục hình, đến nay xác định ông Lưu Quang Trung là bị can.
Dùng nhục hình là hành vi bị nghiêm cấm
Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 14 Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra. Trong đó nêu rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Người thực hiện hành vi này là xâm phạm vào hoạt động tư pháp, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác (trong đó chủ yếu là với người bị buộc tội), có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức nghiêm khắc nhất là tước danh hiệu công an nhân dân, buộc thôi việc… và còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.
Trong vụ án trên, cựu trung úy cảnh sát sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc và còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân gồm tiền chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần.
Vu cuu trung uy canh sat bi bat: Vi sao van…“dung nhuc hinh”?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Để hạn chế tình trạng bức cung, dùng nhục hình
Theo luật sư Cường, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định tiến bộ để hạn chế tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự. Trong đó có thể kể đến như những quy định về “trọng chứng hơn trọng cung”, lời khai buộc tội không phải căn cứ duy nhất để kết tội, lời khai buộc tội phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác thì mới được sử dụng làm căn cứ buộc tội hoặc gỡ tội; quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về người tiến hành tố tụng; bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải thừa nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình; Đảm bảo quyền bào chữa từ sớm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội từ khi giải quyết tin báo tố giác tội phạm; ghi nhận quyền im lặng trong tố tụng hình sự, quy định về ghi âm ghi hình để tránh việc cuối cùng, dùng nhục hình ...
Tuy nhiên, trong thực tiễn, hành vi bức cung, dùng nhục hình, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng. Thời gian qua, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, xử lý nhiều cán bộ về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có hành vi bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự.
Hành vi dùng nhục hình dễ xảy ra nhất là thời điểm xác minh tin báo, mới tạm giam, tạm giữ khi mà chưa có người bảo vệ quyền lợi, buổi làm việc không có đại diện Viện Kiểm sát tham gia chứng kiến. Hành vi dùng nhục hình cũng dễ xảy ra đối với những cán bộ chuyên môn trình độ nghiệp vụ yếu kém, nôn nóng muốn áp đặt ý chí của mình vào người bị buộc tội hoặc có ý thức coi thường tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của họ.
Điều đáng buồn là trong thực tiễn vẫn còn cái suy nghĩ “vô đả bất thành hình” trong hoạt động tố tụng. Những trường hợp vi phạm về hoạt động tư pháp trong đó có hành vi bức cung, dùng nhục hình, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án thường xảy ra ở các địa phương, chủ yếu là cấp huyện với các cán bộ trẻ, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, trình độ nghiệp vụ yếu kém.
Quy định về ghi âm ghi hình đã được ghi nhận trong tố tụng hình sự, tuy nhiên thực tiễn, việc trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động ghi âm ghi hình trong tố tụng hình sự vẫn chưa được đảm bảo dẫn đến ở các địa phương vẫn rất thiếu trang bị, phương tiện để ghi âm ghi hình. Đặc biệt là hoạt động ghi âm ghi hình chưa được thực hiện tự động, việc lưu giữ quản lý dữ liệu ghi hình vẫn chưa đảm bảo sự khách quan dẫn đến chưa phát huy hiệu quả của các thiết bị điện tử trong việc giám sát hoạt động tố tụng, để chống bức cùng nhục hình.
Mặc dù pháp luật đã quy định là từ khi giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố là đã có sự tham gia của đại diện viện kiểm sát và người bị buộc tội có quyền mời luật sư bảo vệ quyền lợi, tuy nhiên, trong thực tiễn những buổi làm việc có đại diện Viện Kiểm sát trực tiếp tham gia, có luật sư tham gia là không nhiều dẫn đến hành vi bức cung, dùng nhục hình hoàn toàn có thể xảy ra nếu điều tra viên, cán bộ điều tra không tuân thủ pháp luật về tố tụng hình sự.
Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự, phải thực hiện đồng bộ rất nhiều các giải pháp tự hoàn thiện chính sách, pháp luật, đảm bảo tính khách quan, có sự giám sát chặt chẽ đối với hoạt động tố tụng hình sự thì vấn đề đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, giám sát người thi hành công vụ trong tố tụng hình sự là rất quan trọng.
Đặc biệt là việc phát huy vai trò của các thiết bị ghi âm ghi hình trong tố tụng hình sự cần phải sớm được hoàn thiện, có hệ thống lưu giữ dữ liệu riêng, gửi hình tự động hóa đảm bảo quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi của người bị buộc tội trong quá trình diễn ra tố tụng hình sự.
Cần phải có quy định, cơ chế để đảm bảo tất cả các buổi làm việc trong giai đoạn xác minh tin báo, giải quyết kiến nghị khởi tố phải có đại diện viện kiểm sát và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội có mặt. Cần phải kiểm soát thời gian và thủ tục làm việc của cán bộ điều tra, điều tra viên đối với nghi phạm để tránh việc bức cung, dùng nhục hình có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế giám sát đối với hoạt động giam giữ, đặc biệt là quá trình tạm giữ để đảm bảo an toàn cho người bị tạm giữ và đảm bảo sự khách quan, minh bạch trong hoạt động tố tụng hình sự, tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ghê rợn những kiểu nhục hình phụ nữ thời cổ đại:

Tâm Đức