Dữ liệu y khoa

Những cơn đau viêm khớp háng không báo trước ở người trẻ

  • Tác giả : BSCKII Hà Tường
(khoahocdoisong.vn) - Viêm khớp xương vùng háng, gây ra những cơn đau không báo trước không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống mà còn gây ra rất nhiều những khó khăn trong việc đi lại, vận động. Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi từ 30 - 45 và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh rất cao gấp khoảng 8 lần nữ giới.

Nguyên nhân gây ra viêm khớp háng có thể là do một trong những yếu tố sau đây:

- Do chấn thương: Trong quá trình lao động, vui chơi, tập luyện thể thao hay gặp tai nạn bất ngờ gây tổn thương tới khớp háng thì lâu ngày sẽ dẫn tới viêm đau.

- Do quá trình lão hóa: Khi tuổi tác càng cao thì quá trình lão hóa càng diễn ra mạnh mẽ, kéo theo các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh viêm khớp háng.

- Do thừa cân hay mắc bệnh béo phì: Khi trọng lượng cơ thể quá lớn thì sẽ làm tăng áp lực cũng như sức ép lên xương khớp và dễ dẫn tới tổn thương

- Do di truyền: Việc các sụn khớp khiếm khuyết bẩm sinh không đảm bảo cho các hoạt động của xương khớp và khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao.

- Viêm khớp dạng thấp: Cũng là nguyên nhân gây viêm khớp háng.

- Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Khi mạch máu nuôi chỏm xương đùi bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó, dẫn đến phần chỏm xương đùi không có máu đến nuôi nên dần hoại tử.

Triệu chứng đau ban đầu có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt. Người bị viêm khớp háng thường có biểu hiện bị nhiễm trùng tai, mũi, họng hoặc đường tiêu hóa khoảng 3 - 4 ngày. Sau đó mới bắt đầu thấy đau ở vùng háng, đùi, đau đầu gối, khiến người bệnh di chuyển khó khăn. Những cơn đau này không chỉ làm người bệnh khó khăn trong việc đi lại mà còn gây đau dữ dội ở hông, đùi và mông rất khó chịu. Người bệnh không thể vặn mình, xoay chân vào hoặc ra người, còn không thể cúi người về phía trước được dễ dàng. Dễ bị cứng khớp và khi đi lại có thể nghe thấy tiếng lạo xạo phát ra từ trong khớp háng khi vừa ngủ dậy hoặc ngồi quá lâu.

Ngoài ra, trẻ em cũng có thể là đối tượng mắc bệnh viêm khớp háng. Khi mắc bệnh trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ khi mới phát bệnh và sau đó đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tại khớp mông, hông.

Ăn uống khoa học để tránh bệnh

Biện pháp phòng tránh bệnh viêm khớp háng quan trọng nhất là:

- Ngăn chặn và điều trị những chấn thương: Những chấn thương xảy ra tại vùng khớp háng, điển hình như bong phần sụn viền, giãn dây chằng… có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh viêm khớp háng. Vì thế, mọi người cần điều trị triệt để ngay từ khi xuất hiện những chấn thương tại vùng khớp háng.

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Một chế độ ăn uống khoa học là cách phòng bệnh tốt nhất và hiệu nghiệm nhất. Ăn uống khoa học, đủ chất có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp xương khớp trở nên chắc khỏe và ngăn ngừa các bệnh xương khớp nói chung và bệnh viêm khớp háng nói riêng

- Uống đủ nước hằng ngày: Nên bổ sung đủ nước vào cơ thể mỗi ngày. Nướclà thành phần quan trọng nhất của sụn và đầu xương, nước giúp cho khớp cử động được trơn tru và dễ dàng hơn.

- Tập luyện thể dục – thể thao: Tập luyện thể dục – thể thao hằng ngày sẽ giúp hệ cơ xương khớp trở nên khỏe mạnh, dẻo dai hơn, giúp tăng sức đề kháng và phòng ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm về xương khớp, tiểu đường, tim mạch…

Khi bị viêm khớp háng, tuỳ theo mức độ của bệnh mà có những cách điều trị khác nhau như vật lý trị liệu, dùng thuốc, thay khớp háng bán phần, toàn phần...

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không quân)

BSCKII Hà Tường