Y học và đời sống

Cách nhận biết dấu hiệu suy thận để kịp thời xử lý

  • Tác giả : Bác sĩ nguyễn Xuân Tuấn
Khi thận bị suy, nồng độ các chất cặn và độc tố trong máu có thể tăng lên, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cần nhận biết để chữa trị kịp thời.

4 dấu hiệu cảnh báo suy thận

Thận được ví là cơ quan nắm giữ sinh mệnh của con người bởi nó thực hiện rất nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như lọc máu, cân bằng chất điện giải, sản xuất các hormone (hormone điều chỉnh huyết áp, hormone kích thích sản xuất hồng cầu,...), điều hòa huyết áp,...

Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Khi thận bị suy, nồng độ các chất cặn và độc tố trong máu có thể tăng lên, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Suy thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ. Các dấu hiệu nhận viết sớm bệnh gao gồm:

Cách nhận biết dấu hiệu suy thận để kịp thời xử lý ảnh 1

Cách nhận biết dấu hiệu suy thận để kịp thời xử lý

Nước tiểu đổi màu: Trong giai đoạn đầu của suy thận, triệu chứng rõ ràng nhất là thay đổi nước tiểu, sự thay đổi này chủ yếu được chia thành những thay đổi về lượng và màu của nước tiểu.

Người bình thường nước tiểu màu vàng nhạt nhưng với bệnh nhân bị suy thận, dù uống ít nước vẫn có thể đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm và nước tiểu có màu sậm.

Ngoài ra có trường hợp uống quá nhiều nước với lượng nước tiểu ít, khi ấy ngộ độc nước có thể xảy ra, bệnh nhân suy thận có thể gặp tình trạng nước tiểu màu đỏ và có bọt.

Sưng phù toàn thân: Bệnh suy thận sẽ khiến thận không thể thải nước ra khỏi cơ thể kịp thời nên các triệu chứng sưng cơ thể sẽ xảy ra.

Ở giai đoạn đầu, phù có thể chỉ xuất hiện ở bàn chân và mí mắt, với sự tiến triển dần dần của bệnh, sưng phù toàn thân nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Đau lưng: Suy thận có thể dẫn đến đau lưng.

- Vị trí đau thường sâu và nằm ngay dưới lồng xương sườn hoặc lan sang vùng háng, hông.

- Đau lưng do suy thận kèm với cảm giác ốm yếu, nôn mửa, nhiệt độ cơ thể cao và đi tiểu thường xuyên.

Nếu bạn đau lưng liên tục và thuốc giảm đau là không hiệu quả, nên đi khám để chẩn đoán chính xác tình trạng của mình.

Ngứa da: Ở những bệnh nhân bị suy thận tiến triển, urê trong cơ thể không thể được bài tiết từ nước tiểu qua thận. Vì thế mà các urê này bị buộc phải rò rỉ từ lỗ chân lông trên da, gây kích thích và làm ngứa da.

Ngoài ra, người bệnh có thể: Buồn nôn, nôn; chán ăn; mệt mỏi, ớn lạnh; rối loạn giấc ngủ; Giảm sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt; co giật cơ bắp và chuột rút; nấc; đau ngực (nếu có tràn dịch màng tim); khó thở (nếu có phù phổi); tăng huyết áp khó kiểm soát; hơi thở có mùi hôi; đau hông lưng...

Thực phẩm dễ gây suy thận - Ảnh BSCC

Thực phẩm dễ gây suy thận - Ảnh BSCC

Phòng ngừa suy thận

Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh suy thận, chỉ có thể áp dụng các phương pháp duy trì lối sống lành mạnh để giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách:

- Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi

- Nếu có các bệnh lý nền, bệnh lý đồng mắc thì cần kiểm soát tốt: huyết áp, đường huyết…Giữ huyết áp đúng mức là dưới 140/90 mmHg; Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu

- Thường xuyên tập thể dục.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ, rau xanh, hoa quả… vào chế độ ăn hàng ngày. Đồng thời hạn chế các đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn, đồ nhiều muối.

- Kiểm soát lượng protein và kali nạp vào cơ thể.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ, không chủ quan với những bất thường của cơ thể.

- Tránh xa căng thẳng, stress trong cuộc sống, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

- Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.

Bác sĩ nguyễn Xuân Tuấn, (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Bác sĩ nguyễn Xuân Tuấn