KINH TẾ

Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 5/2023

  • Tác giả : Thu Hương(T/H)
Bắt đầu từ tháng 5/2023, hàng loạt chính sách về kinh tế bắt đầu có hiệu lực như: tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ; quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính.

Quy định mới về tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ

Ngày 10/2/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 12 bổ sung quy định về “Tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ” (Điều 15a) như sau: Trường hợp Kho bạc Nhà nước nhận được tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ trong thời gian mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hoàn trả số tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ đã nhận được cho các ngân hàng thương mại theo mã trái phiếu Chính phủ mà Kho bạc Nhà nước nhận được tiền lãi danh nghĩa.

Việc hoàn trả tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ được thực hiện bên ngoài hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch Chứng khoán; thời điểm hoàn trả lãi danh nghĩa do hai bên tự thống nhất, nhưng không được muộn hơn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thực thanh toán lãi trái phiếu.

Trường hợp chuyển tiền lãi danh nghĩa chậm, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thanh toán tiền phạt chậm thanh toán cho ngân hàng thương mại đối với số ngày chậm thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm thanh toán quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/5/2023.

Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BTC ngày 17/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Thông tư số 16/2023/TT-BTC sửa đổi quy định về “Điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2) như sau:

Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

Thông tư bổ sung quy định “Phân phối lợi nhuận đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của nhà nước” (Điều 7a).

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ; trường hợp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ để xác định lợi nhuận sau thuế làm cơ sở phân phối.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2023.

Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thông tư này hướng dẫn về xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 2 hình thức nộp tiền phạt (tiền mặt và chuyển khoản).

Trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt.

Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2023.

Thu Hương(T/H)