KINH TẾ

Nhựa Việt: Sau bị thâu tóm, là tìm lối riêng

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Hàng loạt tên tuổi lớn của ngành nhựa Việt Nam (VN) đang dần rơi vào tay các ông chủ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản khiến người ta không khỏi lo ngại một cuộc chiến khốc liệt mà doanh nghiệp nhựa VN bị bóp nghẹt ngay trên “sân nhà”.

Bị thâu tóm

Công ty Nhựa Tân Tiến là một trong những đơn vị hàng đầu ngành nhựa tại Việt Nam trong lĩnh vực bao bì phức hợp cho ngành thực phẩm, doanh thu bình quân hằng năm của Nhựa Tân Tiến vào khoảng từ 1.300-1.500 tỉ đồng. Nhựa Tân Tiến là nhà cung ứng bao bì cho nhiều thương hiệu mạnh như Unilever, Ajinomoto, Acecook, Trung Nguyên, Vinamilk,… Thời gian trước năm 2015, Tập đoàn Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) đã tiến hành mua lại cổ phần Nhựa Tân Tiến. Sau khi thâu tóm được Tân Tiến với tỷ lệ sở hữu lên đến 97,83% vốn điều lệ, doanh nghiệp Hàn Quốc đã thay thế người Việt trơ cơ cấu lãnh đạo cảu Nhựa Tân Tiến. Không chỉ thâu tóm Tân Tiến, Dongwon Systems Corporation cũng đã mua lại Công ty Bao bì Minh Việt từ Masan.

Tập đoàn SCG (Thái Lan) mới đây cũng đã chính thức thông báo đã nâng tỉ lệ sở hữu lên 51,10% tại nhựa Bình Minh. SCG thông báo đầu tư 6 tỉ USD để gia tăng sức mạnh của mình trong ngành nhựa Việt Nam. Tập đoàn này trước đó cũng đã chi 121 triệu USD để sở hữu cổ phần tại 7 công ty nhựa của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ông Hồ Đức Lam cho biết, áp lực “thâu tóm” của các công ty nước ngoài tại ngành nhựa rất lớn. SCG Thái Lan không chỉ nắm hơn 51,10% công ty Nhựa Bình Minh mà còn nắm gần 24% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Thông qua công ty con của mình là công ty TC Flexible Packaging, công ty SCG gián tiếp chi trên 44 triệu USD để sở hữu 80% cổ phần của Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), thuộc nhóm 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì… Một loạt các công ty của Nhật cũng thâu tóm ngành nhựa như: Công ty MeiwaPax Group chi 16,5 triệu USD mua Công ty Bao bì Sài Gòn (Sapaco); Oji Holding Corporation mua Công ty TNHH Bao bì United; Sagasiki Vietnam mua Công ty In và Bao bì Goldsun.

Ông Lam cũng cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào Việt Nam của các doanh nghiệp nhựa Trung Quốc. Làn sóng chuyển dịch đầu tư ngành nhựa của Trung Quốc vào VN đã diễn ra trong 5-7 năm qua dưới hình thức vốn FDI và cả FII, nhưng nay càng tăng mạnh do nhu cầu giảm chi phí lao động đang tăng cao tại Trung Quốc và tránh bị áp thuế chống bán phá giá… Cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng làm cho ngành nhựa trong nước lao đao. Doanh nghiệp nhựa Việt có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao, nhưng nhược điểm là công nghệ lạc hậu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm từ Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc.

Gần đây, xu hướng “tiêu dùng xanh” dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm nhựa bao bì không còn được ưa chuộng cũng tác động không nhỏ đến ngành nhựa. Người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt tại các nước phát triển, có xu hướng tìm đến các loại bao bì, sản phẩm có thể tái chế được như ống hút giấy, túi giấy, túi nylon hữu cơ có thể phân hủy được... Chính vì vậy, năm 2018 vừa qua là một năm đầy khó khăn với ngành nhựa. Cổ phiếu ngành nhựa liên tục đi xuống và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Dây chuyền sản xuất bao bì nhựa hiện đại.

Dây chuyền sản xuất bao bì nhựa hiện đại.

Đẩy mạnh công nghệ “xanh”

Trong 10 năm qua, ngành nhựa Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao, lên tới 15 - 20%/năm. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được triển khai sẽ mở ra cơ hội cho nhựa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là trong lĩnh vực bao bì nhựa. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, các doanh nghiệp nhựa còn rất nhiều việc phải làm.

Để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, phát triển sản phẩm đẩy mạnh xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng tốt tiềm năng trên thị trường nội địa; đồng thời, tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn 5 năm tới, ngành nhựa và bao bì sẽ ngày càng phát triển cả về quy mô và công nghệ. Đặc biệt, công nghệ "bao bì xanh" giúp tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải sẽ thắng thế. Trong khi Việt Nam và thế giới đang đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ trái đất, ngành nhựa và bao bì Việt Nam sẽ chuyển dịch dần theo hướng này. Bên cạnh việc cải tiến công nghệ và dây chuyền hiện đại, doanh nghiệp cần đón đầu thị trường. Đặc biệt khi thay vì dùng sản phẩm với bao bì dùng một lần, người tiêu dùng hiện đã có xu hướng chọn mua sản phẩm với bao bì đa tiện ích, chất lượng cao để bảo quản thực phẩm hoặc tái sử dụng. Dòng sản phẩm này hiện ít doanh nghiệp Việt sản xuất được.

Để tận dụng EVFTA, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải đầu tư chiều sâu, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống chất lượng quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000... nhằm cam kết về chất lượng và có đủ điều kiện xuất khẩu. Theo Tiến sĩ Bùi Doãn Nề, Tổng thư kí Hiệp hội In Hà Nội, những chứng chỉ nói trên là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước khi xuất khẩu, khẳng định vị thế cạnh tranh của nhựa Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Bùi Doãn Nề, yêu cầu đặt ra là phải giảm thiểu rủi ro chính sách cho doanh nghiệp trên cơ sở nâng cao chất lượng văn bản chính sách ban hành và cầu thị, lắng nghe các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần giảm bớt áp lực về tài chính đang đè nặng lên doanh nghiệp nội. Các doanh nghiệp nước ngoài vay vốn ở nước họ chỉ chịu lãi suất từ 2 - 4%, thậm chí được hỗ trợ 0%. Trong khi doanh nghiệp trong nước phải vay trung hạn với lãi suất 10-12%. Chỉ riêng trong lĩnh vực chi phí tài chính, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế cạnh tranh và tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

Theo tạp chí Mordor Intelligence Research, thị trường Nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, công nghệ ép phun chiếm tỉ lệ cao nhất. Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa có thành mỏng như thiết bị gia dụng, điện tử gia dụng, bảng điều khiển ô tô…

Tuyết Vân