Tư vấn

Cẩn thận tác hại khi tận dụng bao bì thực phẩm

Các loại bao bì thực phẩm đa dạng từ bao gói, giấy, hộp, chai, lon… thường được nhiều người sử dụng lại với mục đích tận dụng cho khỏi phí.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/han-che-tai-su-dung-bao-bi-thuc-pham.jpg1.jpg

Ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần phân biệt loại bao bì nào nên tái sử dụng và loại nào không nên, để tránh nguy cơ thôi nhiễm hóa chất độc hại từ bao bì ra thực phẩm.

Người tiêu dùng cần chú ý việc tận dụng bao bì đã sử dụng phải phân biệt 2 loại: Một loại là khuyến khích sử dụng lại, còn một loại khác là không nên, thậm chí là cấm sử dụng lại. Đối với các bao bì bằng thủy tinh như chai rượu, bia, nước mắm, thực phẩm đóng lọ… chúng ta có thể rửa sạch và sử dụng lại được; hoặc các loại hộp nhôm đựng sữa bột có thể dùng lại để đựng thực phẩm khô như đậu, lạc…

Tuy nhiên, đối với những bao bì được làm bằng chất dẻo, ví dụ như chai đựng dầu ăn, thì tuyệt đối không nên tái sử dụng vì trong chất dẻo có chứa những chất có thể gây tác hại xấu. Khi sử dụng lần đầu, chúng hoàn toàn an toàn, nhưng khi sử dụng lại, các thành phần hóa học trong chất dẻo sẽ bị thôi ra và gây độc.

Với các bao bì như hộp nhựa có thể tái sử dụng lại cũng cần cảnh báo khi tận dụng nên hạn chế dùng ở nhiệt độ trên 80ºC để tránh các nguy cơ thôi nhiễm hóa chất. Tránh tái sử dụng các đồ nhựa có bề ngoài đã bị cũ, trờn xước, dính bẩn; tránh tận dụng lại bao bì bằng nhựa màu.

Điều đáng nói, với những loại bao bì không được phép tái sử dụng cũng cần chú ý cả việc thải bỏ phải đúng quy định, chứ không thể thải bỏ bừa bãi ra môi trường.

An Lê