Y học và đời sống

Nhiễm giun sán vì ăn rau sống

  • Tác giả : Thu Hương(T/H)
Nhiễm giun sán là bệnh lý thường gặp nhất do ăn rau sống không được rửa sạch sẽ với tỷ lệ từ 5 - 7%. Người bệnh nhiễm giun sán có thể bị động kinh, liệt tay chân, rối loạn trí nhớ nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm giun sán khi ăn rau sống nguy hiểm như thế nào

Theo các nghiên cứu chỉ ra, 92-100% các loại rau sống đều chứa các ký sinh trùng có hại cho sức khỏe, nếu không rửa sạch rau trước khi sử dụng thì có khả năng cao mắc các bệnh về đường ruột như nhiễm giun sán, tiêu chảy…

Đây là loại rau ăn trực tiếp mà không qua chế biến hay đun sôi nên thường chứa lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên các loại rau sống chúng ta ăn hàng ngày như xà lách, rau thơm, cải cúc, rau muống lên tới 92%, thậm chí dù được rửa sạch đến 3 lần nước thì tỷ lệ này chỉ giảm xuống 20 - 30%.

Chất xơ trong rau có tác dụng phụ gây khó chịu đường tiêu hóa như đầy hơi, chuột rút, co thắt dạ dày, tiêu chảy, giảm hấp thụ một số chất dinh dưỡng quan trọng.

Người bị hội chứng ruột kích thích ăn nhiều rau sống có thể bị đầy hơi, đau dạ dày, có cảm giác muốn đi đại tiện ngay.

Các loại rau sống này mặc dù sống ở trên cạn nhưng cũng bị nhiễm độc như các loại rau sống dưới nước, thậm chí còn có tàn dư của các loại thuốc trừ sâu, ấu trùng giun sán như: giun móc, giun đũa, sán lá gan… đều là những mối nguy hại cho sức khỏe con người. Những hóa chất, vi khuẩn gây hại này khi vào cơ thể người có thể gây các bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm nhiễm đường tiêu hóa; giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng gây thiếu máu, thiếu vitamin A, B, C… làm người nhiễm bị suy nhược cơ thể.

Nếu ở thể nặng, người nhiễm bệnh còn có thể gặp biến chứng, gây nguy hiểm cho tính mạng. Trứng giun đũa vào ruột non người nở thành ấu trùng, xâm nhập thành ruột, theo đường máu phát tán khắp cơ thể. Khi ấu trùng tấn công não, tim, phổi, mắt sẽ dẫn đến tình trạng co giật, phù não, nhức đầu kéo dài, liệt nửa người, liệt chi dưới, viêm não, màng não và có thể gây giảm thị lực dẫn đến mù mắt nếu không phát hiện kịp thời.

Ăn rau sống thế nào để không nhiễm giun sán

Để đảm bảo rau sạch cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hoá chất trừ sâu vẫn còn bám trên rau. Nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo vệ sinh. Vì theo các nghiên cứu, trong môi trường nước muối loãng, thuốc tím không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, lượng hoá chất bảo vệ thực vật bám trên rau giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần. Như vậy nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau, vẩy ráo trước khi ăn.

Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh. Qua một số thí nghiệm cho thấy trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng thì không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hoá chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần.

Nhưng để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất không nên ăn rau sống mà nên chần qua. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người bị viêm đại tràng, người bị đau dạ dày và người dễ bị cảm cúm không nên ăn rau sống.

Thu Hương(T/H)