KINH TẾ

Nhân sự cho FDI: Đón sóng mới, với hạn chế cũ

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù đang có rất nhiều lợi thế về tỷ lệ dân số vàng nhưng thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đang rất nhiều hạn chế.

Ồ ạt tuyển người

Theo Tổng cục Thống kê, trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam quý I/2019, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất với 723,2 triệu USD, chiếm 18,9%. Không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc, một loạt các nhà máy của những tập đoàn đa quốc gia cũng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Từ đây, dẫn đến đột biến nhu cầu tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao, tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2018, chịu tác động từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, nhiều công ty FDI mảng công nghiệp điện tử đã có kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển này gồm hai nhóm: các công ty đa quốc gia có nhà máy tại Trung Quốc và các công ty Trung Quốc.

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao quý I/2019 của Navigos Search mới đây khẳng định, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất. Các nhà máy từ Trung Quốc dịch chuyển sang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí giám sát và cấp quản lý, chưa kể hàng nghìn nhân viên. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên nói được tiếng Hoa rất cao.

Quý I/2019, nhiều nhà máy tại khu công nghiệp VSIP II (Bình Dương) muốn tuyển thêm hàng trăm nhân sự. Một nhà máy sản xuất thiết bị điện quy mô 300 lao động dự định mở rộng lên 1.000 nhân viên. Các dự án năng lượng tái tạo ở Bến Tre cũng ráo tiết tìm người. Một dự án của nhà đầu tư Mỹ tại đây đang vừa thiếu lao động phổ thông lẫn quản lý cấp cao. Đáng chú ý, theo Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến có có lý do từ việc nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy hoặc tái cấu trúc. Một nguyên nhân khác là do làn sóng dịch chuyển ứng viên giữa các nhà máy trong cùng một ngành.

Báo cáo của Navigos cũng ghi nhận, thời gian gần đây, bên cạnh ngành công nghiệp sản xuất, thì ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, địa ốc và nông nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lớn ở nhóm nhân sự trung và cao cấp. Tại khu vực TP HCM, so với các ngành khác, sản xuất và công nghiệp cũng là lĩnh vực được Navigos ghi nhận đang trả mức lương cao nhất cho rất nhiều vị trí cấp trung và cấp cao. Vị trí kỹ sư có thể được trả mức lương là 4.000 USD, cấp quản lý có vị trí trả đến 8.000 USD mỗi tháng.

Ở mảng bán lẻ, xuất hiện xu hướng nhượng quyền thương hiệu của các công ty quốc tế và nội địa trong quý I, đặc biệt là lĩnh vực mỹ phẩm, thời trang, thức ăn và đồ uống (F&B). Xu hướng này kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí từ trung cấp đến cao cấp tăng cao. Trong khi đó, ngành hàng tiêu dùng nhanh đang tăng mạnh tuyển các vị trí khối kinh doanh và tiếp thị. Đặc biệt, ưu tiên ứng viên có các kỹ năng liên quan đến tiếp thị số và thương mại điện tử. Mảng địa ốc có nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp C-level (các vị trí Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc) khá nhiều.

Chất lượng đi ngang

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người vào độ tuổi lao động, đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn. Đặc điểm này là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao, nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh... trình độ học vấn của lao động di cư thấp và phần đông chưa qua đào tạo nghề. Hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất – nơi sử dụng đến 30% lao động di cư không có dịch vụ hạ tầng xã hội (ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, đào tạo nghề, tham gia bảo hiểm xã hội…), lao động di cư ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng trên dẫn tới hậu quả là nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khoá để cạnh tranh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh tế. Việc cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết. Đồng thời phải thực hiện việc giáo dục kép phối hợp giữa nhà trường và DN. Cùng đó, vai trò của doanh nghiệp (DN) cũng rất quan trọng trong việc đào tạo dạy nghề có chất lượng cao, đồng thời đặt hàng và tiếp nhận lao động với các cơ sở đào tạo nghề. Phần lớn các DN Việt chưa có hệ thống đào tạo nội bộ của riêng mình.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Ngoài việc phát triển kinh tế nó còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, càng tham gia các hiệp định thương mại, càng đòi hỏi chất lượng nguồn lao động của Việt Nam phải được cao, để đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Nhưng, cũng lại là vấn đề không mới, chất lượng nhân lực lại là một trong những mảng chậm chuyển biến nhất của nền kinh tế Việt Nam. Thể hiện cụ thể ở vị trí thấp của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng suất lao động thế giới và khu vực. Sau hơn 30 năm đổi mới, khi quy mô nền kinh tế đã tăng gấp hàng chục lần, sự chậm thăng hạng về chất lượng lao động thực sự đã trở thành nguy cơ tiềm tàng với Việt Nam.

Vì thực tế ấy sẽ trở thành một trong những yếu tố ngăn cản thu hút những dự án công nghệ cao, để góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng. Và đồng thời, định hình kinh tế Việt Nam như là tiêu biểu cho những nước phát triển dự trên thâm dụng lao động và tài nguyên. Điều này đã là nguy cơ được thừa nhận ở các cấp quản lý, được cảnh báo bởi các chuyên gia thế giới. Nhưng oái oăm là, ai cũng hiểu, mà chất lượng nhân lực, thì lại vẫn từ tốn đi ngang. 

Tuyết Vân