KINH TẾ

Ngăn FDI "tay không bắt giặc"

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Tốc độ tăng doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế tốt, liên tục mở rộng sản xuất nhưng... có đến hơn 50% số doanh nghiệp FDI báo lỗ.

Lỗ vài chục năm cùng với mở rộng đầu tư

Chuyện doanh nghiệp FDI lỗ liên tục là... bình thường ở Việt Nam. Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994, sau 25 năm hoạt động, Coca Cola liên tục báo lỗ. Lũy kế tính đến năm 2011 của công ty này đã  lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả  số  vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Do lỗ liên tục, Coca Cola Việt Nam chưa đóng thuế thu nhập doanh nhiệp (TNDN) nào cho Việt Nam.

Nghịch lý là trong 25 năm, doanh thu của Coca Cola liên tục tăng từ 20-30%/năm và doanh nghiệp này có kế  hoạch tiếp tục đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam. Sau khi bị soát xét, những năm sau, doanh thu của Coca Cola Việt Nam "chuyển hệ", pha trộn giữa năm lãi và năm lỗ, mức đóng thuế TNDN không thấm tháp với quy mô doanh thu ngành hàng.

Công ty PepsiCo Việt Nam cũng là ví dụ tương tự. Thành lập từ năm 1991, trong gần 20 năm đầu kinh doanh tại Việt Nam, Pepsi lỗ liên tục. Trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo Việt Nam, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng. Mãi đến một số năm gần đây, doanh nghiệp này mới có lãi, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu rất thấp (chỉ trên dưới 2%/năm). Trong khi đó, công ty này mở rộng đầu tư, xây dựng nhà máy mới ở Đồng Nai trị giá 45 triệu USD và tại Bắc Ninh trị giá 73 triệu USD.

Theo Thanh tra Tổng cục Thuế, hầu như DN FDI nào bị kiểm tra cũng vi phạm về khai lỗ, trốn thuế. Mặc dù vậy, họ vẫn không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất tại thị trường Việt Nam. Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm vẫn tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ là trên 50%. Thực trạng này cũng cho thấy tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.

Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Lợi dụng chính sách này và những ưu đãi thu hút đầu tư của chính phủ, các doanh nghiệp FDI đã hạch toán dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài sản về công ty mẹ và các chi nhánh trên toàn cầu để trốn thuế.

Theo báo cáo về tình hình FDI sau 30 năm mở cửa, một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối. Bao gồm: "Hoạt động kinh doanh bất động sản" tăng 189% (mặc dù doanh thu giảm 0,63%); "Khai thác, chế biến khoáng sản" tăng 167,7%; "Đồ điện tử, điện gia dụng" tăng 43,8%; "Dệt may, da giầy" tăng 53%; "Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử" tăng 42,8%. Hai lĩnh vực bị lỗ trước thuế đó là "Sản xuất sắt, thép, kim loại" (lỗ 891 tỷ đồng), "Y tế, giáo dục, khoa học công nghệ" (lỗ 111 tỷ đồng). Số thống kê trên cho thấy, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI không nhỏ, và báo cáo lỗ triền miên với những con số “khủng” chắc chắn không thể tránh nghi vấn chuyển giá, trốn thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt câu hỏi: "Tại sao 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn? Cái này rất quan trọng, chúng tôi sẽ báo cáo cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không? Samsung họ nói đã đầu tư 15 tỷ USD thì ta tính thế nào cho đúng 15 tỷ USD, trong khi đó họ cứ khấu hao tài sản thôi!".

Sơ đồ hiện tượng chuyển giá tại doanh nghiệp FDI.

Sơ đồ hiện tượng chuyển giá tại doanh nghiệp FDI.

“Tay không bắt giặc”

Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Bộ Tài chính mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phản ánh thực trạng bất hợp lý, đó là hiện tượng doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài sở hữu vốn “mỏng” vẫn "tay không bắt giặc", được hưởng nhiều ưu đãi... Theo bà Hồng, rà soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu, thì 100% số doanh nghiệp này đều là FDI, cá biệt có doanh nghiệp có tỷ lệ gấp hàng trăm lần.

Thông tin bà Hồng đưa ra cho thấy, thực chất số vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam chỉ rất nhỏ so với tổng cơ cấu vốn đầu tư. Nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng những ưu đãi, vay một khoản vốn lớn gấp nhiều lần số vốn của họ ở Việt Nam để đầu tư kinh doanh.

Chỉ đến khi vỡ nợ chủ doanh nghiệp bỏ trốn mới phát hiện ra, số vốn họ nợ các ngân hàng Việt Nam cao gấp nhiều lần. Chúng ta kêu gọi FDI để thu hút vốn đầu tư nhưng lại bị họ lợi dụng vốn trong nước để đầu tư. Họ sử dụng chính sách chuyển giá liên tục báo lỗ trong suốt quá trình đầu tư để trốn thuế.

Một trong những nguyên nhân là khu vực FDI đang được hưởng ưu đãi quá cao. Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp FDI được miễn, giảm trên tổng số thuế được miễn giảm là 76%. Tỷ lệ về thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%. Chính mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng cho FDI đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách.

Thực tế này đã đặt yêu cầu đối với các cơ quan quản lý về việc đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, để từ đó có đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý khối doanh nghiệp này.

Vấn đề đặt ra là cần cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực; xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI đầu tư núp bóng; cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư; khuyến khích họ tăng vốn chủ sở hữu, giảm vốn vay; thiết lập cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá...

Kết quả thanh tra tại 870 DN FDI cho thấy, có tới 720 DN vi phạm quy định về thuế . Đáng lưu ý là tại một số tỉnh thành, tỷ lệ vi phạm 100% như: Chi cục thuế Bắc Giang (16/16), Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15)… Đó cũng chỉ là một góc của bức tranh về thực trạng thất thu thuế tại các DN FDI hiện nay.

Tuyết Vân