Giáo dục

Nhận biết dấu hiệu trẻ bị bạo lực

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Đã có những câu chuyện đau lòng khi con bị bạo lực trong thời gian dài mà người lớn không hề hay biết. Vậy cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị bạo lực thế nào?

"Điều con muốn nói"

Những vụ trẻ bị bạo lực, bạo lực học đường gần đây liên tiếp xảy ra. Trong đó, có những trường hợp con bị bạo lực trong thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết. Như trường hợp của nữ sinh ở trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đã bị bạn đánh nhiều lần mà dường như người lớn không hề hay biết cho đến khi video bị lộ ra.

Một vấn đề đặt ra, được đặc biệt quan tâm, là vậy cần nhận biết những dấu hiệu nhận biết con bị bạo lực như thế nào để kịp thời bảo vệ con?

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT cho biết, Dự án Thành phố An toàn và Thân thiện với Em gái do Tổ chức Plan International tại Việt Nam và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) triển khai là một sáng kiến để giải quyết các nguy cơ bị bạo lực, đặc biệt là cho các em gái trong độ tuổi vị thành niên.

“Từ trước đến nay, cha mẹ hay là các thầy cô khi giáo dục về vấn đề kỹ năng cho các con thì thực ra lúng túng và thiếu cả công cụ nữa. Thì chương trình này cùng với các tài liệu sẽ một phần hỗ trợ cho điều đó. Chương trình được triển khai thí điểm trước mắt ở huyện Đông Anh, Hà Nội, sau đó sẽ nhân rộng ra”, ThS.BS Nguyễn Thu Giang cho biết.

Cô giáo Lê Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội cho biết, Dự án Thành phố An toàn và Thân thiện với Em gái đã được triển khai tới các giáo viên từ tháng 3/2018. Đến cuối năm 2018, đã triển khai đưa thông tin tới các phụ huynh thông qua các buổi họp phụ huynh, tuy nhiên mới chỉ là bước đầu.

Đến tháng 3/2019, các giáo viên trong trường đã được cán bộ từ Phòng về tập huấn, và yêu cầu trong tháng 4, mỗi giáo viên sẽ phải đăng ký hai tiết dạy triển khai chương trình này, và có báo cáo, cấp trên về về kiểm tra, đánh giá tiết dạy.

Cô giáo Lê Huyền cho biết, chương trình có rất nhiều những thông tin hữu ích. Nhưng trong đó, cô đặc biệt thích nội dung về “Điều con muốn nói”. Bởi vì, cuộc sống hiện đại, có khi con cái và cha mẹ không có sự kết nối. Từ đó dẫn tới việc không hiểu nhau, hoặc đôi khi con cần sự trợ giúp thì cha mẹ cũng không biết được. Thì việc triển khai nội dung “Điều con muốn nói” sẽ phần nào giúp cho điều đó.

Giáo viên sẽ chuẩn bị cho học sinh viết “Điều con muốn nói” khoảng 1 tuần trước buổi họp phụ huynh. Lưu ý khi yêu cầu học sinh viết “Điều con muốn nói”, giáo viên cần làm rõ mục đích của bức thư đối với học sinh là để giúp cho cha mẹ hiểu được những vấn đề mà các em đang gặp phải. Đồng thời, giúp cha mẹ hiểu được những mong đợi trong cách ứng xử của cha mẹ đối với con mình.

Các em có thể để tên mình hoặc không để tên mình trong thư và các thông tin này sẽ được bảo mật. Giáo viên nên khuyến khích học sinh viết chứ không bắt buộc hoặc đưa ra các hình thức kỷ luật nếu học sinh không viết.

Nếu trong trường hợp không có học sinh nào của lớp viết, giáo viên có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp khác để tham khảo một vài câu chuyện, làm chủ đề gợi mở cho cuộc thảo luận với phụ huynh.

Khi thảo luận, giáo viên có thể trao đổi đây là câu chuyện của một học sinh trong trường, có độ tuổi giống như con của các bậc cha mẹ. Trong buổi họp với cha mẹ: Giáo viên cần làm rõ với các cha mẹ đây là buổi thảo luận nên tất cả các ý kiến cần được tôn trọng. Ngoài ra, giáo viên cần thống nhất với cha mẹ về tính bảo mật thông tin và tôn trọng con em mình.

Đề nghị cha mẹ không được truy xét về nội dung bức thư đối với con mình. Giáo viên động viên/khuyến khích cha mẹ học sinh chia sẻ thông tin, suy nghĩ và các cách ứng xử khi thấy con mình bị bạo lực vì đó là cách tốt nhất để chúng ta giúp con phòng ngừa và giải quyết bạo lực. Giáo viên tạo không khí thân thiện, cởi mở để cha mẹ học sinh tự do bày tỏ suy nghĩ của mình mà không bị phán xét, đánh giá hay bình luận theo hướng tiêu cực.

“Tôi nghĩ đây là một cách rất hay. Bởi hiểu được tâm tư trẻ, cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ kịp thời nắm bắt được những sự cố, vấn đề mà con đang mắc phải”, cô giáo Lê Huyền chia sẻ.

Một nữ sinh bị bạo lực từ bạn.

Một nữ sinh bị bạo lực từ bạn.

Dấu hiệu con bị bạo lực

ThS.BS Nguyễn Thu Giang, một trong những người xây dựng nội dung cho chương trình dự án cho biết, khi bị bạo lực thân thể chỉ có rất ít các em học sinh chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ, thầy cô giáo. Phần lớn các em thường tự mình giải quyết hoặc tìm kiến sự trợ giúp từ bạn bè vì các em sợ rằng khi chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo có thể bị đổ lỗi hoặc làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Vậy một điều rất quan trọng là phải giúp phụ huynh nhận diện được những dấu hiệu khi con bị bạo lực. Theo ThS.BS Nguyễn Thu Giang, những dấu hiệu điển hình đó là:

Các em sẽ e ngại, ít tiếp xúc và ngại giao tiếp. Ăn mặc khác biệt: Quần áo lôi thôi, xộc xệch, dù trời rất nóng mà vẫn mặc áo quần dài tay, cổ cài kín. Tính cách thay đổi trái ngược với tính cách thông thường của trẻ. Có những vết thương hoặc thường xuyên có các vết bầm tím, trầy xước trên cơ thể.

Thay đổi thói quen và không còn hứng thú với những hoạt động vẫn thường yêu thích. Thiếu tin tưởng vào người khác Đồ đạc cá nhân thường bị phá hỏng hoặc mất. Hay lo lắng, căng thẳng, cáu gắt. Thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, ốm, khó ngủ, hay gặp ác mộng.

Bất ngờ học hành sa sút hoặc bỏ giờ, bỏ tiết, bỏ học. Có cảm giác cô độc và tự cô lập mình. Thu mình và thường ngồi một chỗ. Hay khóc, buồn, đề phòng mọi người. Ít tham gia các hoạt động tập thể như ở lớp, ở trường. Có những hành động hủy hoại bản thân như bỏ nhà, tự làm đau, thâm chí là tự tử.

Ngay khi thấy con có một trong những biểu hiện trên, thì cha mẹ cần làm sao để cho con sẵn sàng, tin tưởng và chia sẻ với bố mẹ.

Cô giáo Lê Huyền cho biết, thực tế có không ít phụ huynh khá “thờ ơ” với con. Thậm chí, các giấy nhắn cô giáo gửi về cho gia đình cũng không buồn đọc. Đó là một trong những khó khăn khi triển khai chương trình này trong việc bảo vệ các con khỏi nguy cơ bị bạo lực, trong đó, rất cần sự phối hợp từ phía gia đình.

Mai Loan