Khám phá

Nguyễn Hữu Cầu – thủ lĩnh nông dân – kỳ 2: Từ đối chữ sau lại đối địch

Từ đối chữ sau lại đối địch, Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng từng là bạn học thuở nhỏ, nhưng sau người làm quan nhà Lê, kẻ khởi nghĩa chống triều đình.

Hình minh họa.

Từ đối chữ sau lại đối địch

Nguyễn Hữu Cầu được các sử gia đánh giá là người kiệt hiệt, nhiều mưu mẹo nhất trong các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Có khi bị vây liền mấy vòng, ông chỉ một mình một ngựa phá vây, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo.

Các tướng họ Trịnh ai cũng sợ quận He, duy chỉ có Phạm Đình Trọng là bạn học thuở nhỏ là người hiểu quận He. Hai người đố kị nhau từ trước, từ đối chữ sau lại đối địch… Do có nhiều hiềm khích nên Phạm Đình Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn Hữu Cầu.

Trước tình thế khó khăn, năm 1746, Nguyễn Hữu Cầu sai người đem vàng về đút lót Đỗ Thế Giai và người nội giám là Nguyễn Phương Đĩnh để xin hàng.

Trịnh Doanh thuận và phong chức Ninh Đông tướng quân, tước Hương Nghĩa hầu. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Cầu bị Phạm Đình Trọng, bất chấp chỉ dụ của Chúa, đem quân đánh úp, buộc phải rút chạy.

Bước sa cơ

Tháng 9/1748, Nguyễn Hữu Cầu đem quân băng qua Duyên Hà đánh vào Sơn Nam. Dù thắng được ở Sơn Nam, nhưng nghĩa quân bị đại bại trong trận Cẩm Giàng (Hải Dương). Nguyễn Hữu Cầu nhận định, quân Trịnh sau chiến thắng tất sẽ chủ quan, Thăng Long không được phòng bị chu đáo, đã đưa quân tiến về Bồ Đề (Gia Lâm) định nửa đêm vượt sông vào Thăng Long.

Chúa Trịnh Doanh biết trước, kịp thời cầm quân chống cự, lại được Phạm Đình Trọng về tiếp ứng. Quân Nguyễn Hữu Cầu bị tổn thất nặng phải rút lui.

Năm 1749, Nguyễn Hữu Cầu lại liên kết với Hoàng Công Chất hoạt động ở Sơn Nam, nhưng bị thất bại liên tiếp ở Thái Bình, buộc phải kéo về Hải Dương. Năm 1751, thất bại lớn, Nguyễn Hữu Cầu dẫn một số người chạy vào Nghệ An, dựa vào lực lượng của Nguyễn Diên, bạn chiến đấu cũ trong cuộc khởi nghĩa Ninh Xá.

Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh, Nguyễn Hữu Cầu thấy bất lợi, định cùng một số tướng lĩnh vượt biển về Hải Dương nhưng gặp thời tiết xấu, phải lên bờ và bị thuộc tướng của Phạm Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ bắt sống ở núi Hoàng Mai (bắc Nghệ An, giáp Thanh Hoá), đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh.

Lúc này, Trịnh Doanh cũng dẹp và bắt được Nguyễn Danh Phương mang về kinh đô. Đến làng Xuân Hy, huyện Kim Anh, gặp người của Phạm Đình Trọng giải Hữu Cầu đến, bèn mở tiệc khao quân, bắt Danh Phương dâng rượu, Hữu Cầu thổi kèn. Hữu Cầu nuốt nhục hầu chúa, khi về đến kinh thành định vượt ngục nhưng không thành. Tháng 3/1751, ông bị  hành hình.

Thày sợ không dám dạy

Tương truyền thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cùng học một thầy. Trọng hay được thày khen nhưng Cầu không phục. Một hôm đi đám ma, thầy cho cả hai theo, khi về nhà đám biếu thủ lợn, Cầu và Trọng tỵ nhau không ai chịu xách. Thày bèn ra vế đối, bảo ai đối được thì không phải xách:

– Huề trư thủ (xách đầu lợn)

Trọng đối lại: – Phan long vân (vịn vây rồng)

Còn Cầu đối:  – Diệt Tần phá Sở

Thầy gõ quạt lên đầu Cầu mà rằng, câu đối không chuẩn, thừa chữ và bắt xách thủ lợn. Cầu gân cổ cãi: – Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vịn vây rồng như Trọng !

Một lần khác thày ra vế đối: – Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo.

Trọng đối: – Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc.

Cầu đối lại: – Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm động

Thày nghe xong bảo: – Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc!

Rồi từ đó ông đồ sợ không dám dạy Cầu nữa. Sau này quả nhiên Trọng làm quan cho nhà Lê, còn Cầu khởi nghĩa chống triều đình.

(còn nữa)

Nguyễn Trung Thành