Người có bệnh thận nên được ưu tiên tiêm văcxin ngừa Covid-19
Bệnh thận mạn tính vốn là nguyên nhân tử vong thứ 12 trên thế giới và trong dịch Covid-19, đây là căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ tử vong rất cao. Người có bệnh thận nên được ưu tiên tiêm văcxin ngừa Covid-19. Các dữ liệu hiện tại cho thấy việc sử dụng các loại văcxin hiện có đều an toàn trên nhóm đối tượng này.
Vì đáp ứng với văcxin ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh thận dường như kém hơn so với dân số nói chung nên các văcxin có hiệu lực cao được ưa thích sử dụng hơn.
Do Covid-19 dễ gây tổn thương ở những bệnh nhân có bệnh thận mạn tính (CKD), các hiệp hội thận học lớn như Hiệp hội Thận học Vương quốc Anh và Tổ chức Thận Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho những bệnh nhân này. Tuy nhiên, câu hỏi liệu văcxin Covid-19 có mang lại mức độ bảo vệ cao ở những bệnh nhân bị bệnh thận như những người khỏe mạnh (trong các nghiên cứu được công bố gần đây) hay không, vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Một thử nghiệm giai đoạn III được bắt đầu gần đây đánh giá hiệu quả của văcxin NVX-CoV2373 (Novavax) đang ưu tiên tiến hành trên những bệnh nhân có các bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm cả bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính.
Tránh sử dụng văcxin sống
Vì hệ miễn dịch của các bệnh nhân có bệnh thận thường bị suy giảm do nhiều nguyên nhân nên các văcxin sống thường tránh được sử dụng. Tuy nhiên, các văcxin hiện có như AstraZeneca hay của Pfizer-BioNTech và Moderna được khuyến cáo là an toàn khi sử dụng. Hiệu lực của những văcxin Covid-19 đã được phê duyệt trên nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch hiện chưa được biết rõ, nhưng dựa trên dữ liệu về những văcxin trước đây, chẳng hạn như văcxin cúm, cho thấy rằng hiệu lực văcxin ở nhóm đối tượng này có thể có những thay đổi đáng kể về hiệu giá của các kháng thể đặc hiệu được tạo ra và thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm.
Trong thử nghiệm pha 3, cho thấy văcxin mRNA có thể tạo ra miễn dịch bảo vệ đáng tin cậy hơn văcxin ChAdOx1 nCoV-19. Do đó, việc sử dụng các loại văcxin này có thể thích hợp hơn cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
So với các văcxin bất hoạt, cả văcxin mRNA và văcxin qua trung gian virus có lỗi sao chép đều có ưu điểm là tạo ra miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Mặc dù cơ chế miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19 chưa được nghiên cứu rõ ràng, song có thể có sự tham gia của cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Tế bào T CD8 gây độc tế bào tham gia vào quá trình loại thải virus trong nhiều bệnh lý đường hô hấp do virus, đồng thời đáp ứng miễn dịch tế bào thông qua tế bào T cũng tồn tại lâu dài và làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Khả năng đáp ứng của T CD8 thường xảy ra mạnh mẽ sau khi tiêm văcxin qua trung gian virus có lỗi sao chép và được kỳ vọng ở văcxin mRNA. Do đó, các xét nghiệm miễn dịch tế bào T để kiểm tra đáp ứng của văcxin nên được thực hiện thường xuyên.
Các đặc điểm của bệnh nhân như tuổi, giới tính, tiền sử bệnh thận đang mắc và phác đồ điều trị đang áp dụng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của văcxin. Ở những bệnh nhân không xuất hiện hoặc đáp ứng miễn dịch (dịch thể hoặc tế bào) kém sau khi tiêm văcxin, về lý thuyết có thể lựa chọn những phương án sau: Tiêm thêm liều bổ sung, hoặc chuyển sang phương án sử dụng loại văcxin khác, hoặc chủng ngừa văcxin qua niêm mạc đường hô hấp.
Cách chủng ngừa qua niêm mạc đường hô hấp, khác với tiêm bắp, sẽ gây ra trí nhớ miễn dịch mạnh mẽ qua trung gian của các tế bào miễn dịch bẩm sinh và tại chỗ ở biểu mô đường hô hấp, có tác dụng bảo vệ trong giai đoạn đầu nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, chủng ngừa văcxin qua đường niêm mạc có thể là một chiến lược văcxin hiệu quả cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai)