Giáo dục

Nghỉ học có cần học?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều trường đã triển khai học trực tuyến hoặc giao bài tập qua mạng cho học sinh làm. Theo các giáo viên, việc học này là cần thiết trong những ngày nghỉ phòng chống dịch do virus corona.

Cần làm bài tập để giữ thói quen học tập

Ngay từ những ngày nghỉ đầu tiên trong đợt nghỉ học để phòng chống dịch do virus corona, nhiều trường đã triển khai học trực tuyến cho học sinh.

Em Trâm Anh, lớp 8A1, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội dù nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona nhưng vẫn cập nhật kiến thức qua ứng dụng office 365 của trường.

Thời gian học được cô giáo nhắn tới, cụ thể: Môn Tiếng Anh từ 8h – 9h45. Môn Văn từ 20h30-21h. Môn Toán từ 21h – 22h.

Đúng giờ học, Trâm Anh ngồi trước màn hình và nghe cô giáo giảng như ở giờ giảng trên lớp.

Đúng giờ học, Trâm Anh ngồi trước màn hình và nghe cô giáo giảng như ở giờ giảng trên lớp. 

Đúng giờ học, Trâm Anh ngồi trước màn hình. Trên màn hình, hiện ra hình ảnh cô giáo giảng bài, các học sinh vẫn tương tác với cô qua ứng dụng, một giờ học nghiêm túc không khác gì trên lớp, cho dù em đang ngồi nhà.

Trâm Anh cho biết, từ đầu năm, mỗi học sinh đã có một tài khoản riêng qua ứng dụng office 365 và làm nhiều bài tập trực tuyến rồi, nên giờ không hề bỡ ngỡ. Giai đoạn này đang trong quá trình các em ôn tập kiến thức các môn để chuẩn bị thi giữa kỳ. Việc học qua ứng dụng giúp việc ôn luyện không bị gián đoạn.

Cô giáo Hà Song Hải Liên, giáo viên Văn của Trường chia sẻ, để thực hiện một bài giảng thực tuyến, giáo viên vất vả gấp nhiều lần với bài giảng ở trên lớp, chuẩn bị rất công phu và thẩm định cũng nghiêm ngặt. 9, 10 tối, các giáo viên vẫn còn ngồi trên lớp, thực hiện giờ dạy trực tuyến. 

Việc tổ chức giờ học cũng không khác nhiều lớp học bình thường trên lớp. Giữa giáo viên và học sinh vẫn có sự tương tác, học sinh vẫn được phát biểu, vẫn lắng nghe được các ý kiến của nhau.

“Theo tôi, việc học trong những ngày nghỉ rất cần thiết. Bởi chưa biết dịch sẽ diễn biến như thế nào, thời gian nghỉ sẽ kéo dài tới bao lâu. Nếu không học, học sinh sẽ dễ hình thành thói quen ì, hoặc chơi điện tử, nghiện game… khi quay trở lại học sửa sẽ rất khó. Đặc biệt với học sinh ở các lớp cuối cùng, nên tận dụng thời gian này để học, ôn tập, củng cố kiến thức, hiệu quả rất tốt”, cô Liên chia sẻ.

Ngoài Trường Nguyễn Tất Thành, một loạt các trường như Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), Trường Vinschool (Hà Nội), Trường Wellspring … học sinh cũng vẫn học tập qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội), cô giáo chủ nhiệm cũng vẫn chuyển các bài tập của các bộ môn qua ứng dụng chat các phụ huynh của lớp, để các con làm.

Theo nhiều giáo viên, việc cho các học sinh giữ “nhịp” học tập ngay cả khi nghỉ học là cần thiết. Bởi các em nghỉ khi các môn học vẫn đang học dở dang, không phải kỳ nghỉ hè, nên việc ôn tập hay học online sẽ giúp các em giữ được thói quen học tập, không bị quên kiến thức và khi trở lại trường sẽ bắt nhịp lại ngay với việc học tập, không bỡ ngỡ. Các phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để đôn đốc, nhắc nhở các con.

Đặt sự an toàn, sức khỏe của học sinh hàng đầu

Theo nhận định chung của các nhà khoa học, dịch có thể đạt đỉnh trong 7/10 ngày tới. Trước dự báo như vậy, nhiều phụ huynh và cả giáo viên cho rằng, việc nghỉ học để giữ an toàn cho trẻ là cần thiết.

Hàng loạt các địa phương trên cả nước đã cho học sinh nghỉ đến hết ngày 16/2 để phòng chống dịch như TPHCM, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Tháp và Đồng Nai…

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Trung học Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, phụ huynh không nên quá lo lắng về chương trình học tập bị gián đoạn. Trong thời gian nghỉ học này, các trường và giáo viên phải có trách nhiệm rà soát kế hoạch dạy học để có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý.

Ngoài ra, trong lúc các em được nghỉ, thầy cô có thể dạy online, sử dụng phần mềm giáo dục trực tuyến giảng bài, giao bài tập để học sinh tự học tại nhà.

Chủ tịch tỉnh Đà Nẵng cũng giao Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, nhắc nhở học sinh ôn tập, đọc sách, tự học tại nhà; nhắc nhở học sinh, sinh viên tham gia giao thông an toàn; phòng tránh tai nạn thương tích do: vật nuôi, điện, nước, lửa… gây ra; phòng tránh đuối nước trong thời gian nghỉ học.

KH&ĐS đã làm một khảo sát nhỏ với 50 phụ huynh thì tất cả đều đồng tình với quyết định cho các con nghỉ học thêm, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, an toàn thì mới cho các con đến trường.

“Phải đặt sức khỏe của các con lên hàng đầu. Việc học có thể chậm lại 1 – 2 tuần, thậm chí một tháng, các con nghỉ hè muộn hơn chút cũng được. Nhưng nếu để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong trường học thì sẽ rất khó lường. Cần phải đặt sức khỏe, sự an toàn của học sinh lên hàng đầu”, phụ huynh Khánh Ngọc (Hà Nội) nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản không có thay đổi lớn. Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Giáo viên bộ môn các nhà trường có thể hướng dẫn học sinh làm đề cương ôn tập ở các môn học liên quan tới bài thi THPT quốc gia, hướng dẫn học sinh ôn tập qua hệ thống câu hỏi, trả lời, bài tập ôn luyện được xây dựng theo ma trận đề thi của Bộ GD&ĐT.

Với các phương tiện và công nghệ hiện nay, giáo viên có thể có nhiều hình thức phù hợp để hỗ trợ học sinh tự học, ôn tập để có kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới…

Mai Nguyễn