GIỚI TÍNH

Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10: Hà Nội chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề gái

  • Tác giả : Thúy Nga
Lan tỏa rộng rãi mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) sinh con một bề là gái, Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi quan điểm phải có con trai để phục dưỡng lúc tuổi già.

Khó khăn nhưng có sức lan tỏa rộng rãi

TS.BS Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi Cục dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, mặc dù nhiều khó khăn, nhưng đây là mô hình chăm sóc người cao tuổi có hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Theo TS.BS Huy, mục đích của của mô hình này nhằm nâng cao vị thế của NCT có con một bề là gái, đồng thời nâng cao nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho NCT. Bên cạnh đó, các nội dung của mô hình còn hướng đến mục tiêu thực hiện tốt chính sách dân số, giảm áp lực cho NCT khỏi quan niệm truyền thống phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già nhất là người cao tuổi sinh con một bề là gái, không có lương hưu và trợ cấp xã hội.

Để kiểm nghiệm tính hiệu quả của mô hình, trên cơ sở đó tiến hành nhân rộng ra các địa bàn trên toàn thành phố Hà Nội, Chi cục DS-KHHGĐ triển khai thí điểm mô hình này ở 2 địa phương đầu tiên là tại xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây và xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai.

Hà Nội thăm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi

Hà Nội thăm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi

Mỗi mô hình được thành phố được thực hiện 02 năm liên tiếp tại các địa bàn xã, phường được lựa chọn. Thông qua các mô hình điểm được này, Hà Nội sẽ có nhiều mô hình như trên được nhân rộng trên toàn thành phố.

Tại xã Đỗ Động huyện Thanh Oai, trong số 747 người cao tuổi và đều có tham gia vào các câu lạc bộ người cao tuổi tại địa bàn. Số NCT sinh con 1 bề chung: 73 người. Đa phần người cao tuổi của xã Đỗ Động trước kia có nghề nghiệp chính là làm ruộng, hiện chủ yếu sống phụ thuộc vào con cái trong gia đình và những người cao tuổi ở đây có sức khỏe vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, ít người có lương hưu, chính sách. Khảo sát sức khỏe của người cao tuổi tại đây cho thấy phần lớn họ có một số triệu chứng các bệnh mãn tính như: cao huyết áp, mắt mờ, tay run…

Thực hiện mô hình trên, để giúp đỡ người cao tuổi tại địa phương, Ban dân số xã đã tổ chức các cuộc tư vấn nói chuyện chuyên đề tại cụm dân cư với các nội dung đề cập đến vấn đề tự chăm sóc sức khỏe, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng, trao đổi thắc mắc về sức khỏe, cung cấp và phổ cập đến người cao tuổi những kiến thức và thông tin hữu ích… giúp người cao tuổi có ý thức và trách nhiệm với sức khỏe bản thân và gia đình.

UBND xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, thể dục thể thao, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… để cải thiện đời sống thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Đồng thời trạm y tế, Hội người cao tuổi cũng tổ chức các buổi khám và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi mắc bệnh, không có điều kiện đi khám chữa bệnh thường xuyên....

Theo TS.BS Huy đánh giá, việc triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề gái còn gặp nhiều khó khăn do số lượng người cao tuổi sinh con một bề gái không nhiều, địa bàn dân cư phức tạp nên khó thực hiện triệt để, thậm chí có người cao tuổi không tham gia sinh hoạt, từ chối những ưu đãi dành cho người cao tuổi sinh con một bề gái. Ở nhiều địa bàn nông thôn, nhiều người cao tuổi có điều kiện kinh tế ngại tham gia các hoạt động, một số cụ vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có cháu trai để nối dõi tông đường.

23/30 quận, huyện, thị xã đã nhân rộng mô hình

Mới đây, Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa là xã thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sinh con một bề là gái năm thứ hai. Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, người cao tuổi tại thị trấn được giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, thể dục thể thao, kiến thức chăm sóc sức khỏe... từ đó đáp ứng nhu cầu nâng cao, cải thiện đời sống tinh thần của người cao tuổi tại địa phương.

Đặc biệt, thông qua các buổi truyền thông, tư vấn, người cao tuổi có thể tự ứng dụng các bài học vào đời sống hàng ngày, quan tâm hơn nữa tới sức khỏe của mình, phòng tránh và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật.

Đánh giá về hoạt động triển khai và duy trì mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái, TS.BS Tạ Quang Huy, cho biết: Mô hình chăm sóc Người cao tuổi sinh con một bề gái là một bước đi mới và hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc người cao tuổi tại địa bàn triển khai mô hình nói riêng.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Mô hình này đã góp phần nâng cao vị thế của người cao tuổi có con một bề là gái, đồng thời nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, các nội dung của mô hình cũng hướng đến mục tiêu thực hiện tốt chính sách dân số, giảm áp lực cho người cao tuổi khỏi quan niệm truyền thống phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già nhất là người cao tuổi sinh con một bề là gái, không có lương hưu và trợ cấp xã hội.

Mô hình chăm sóc Người cao tuổi sinh con một bề là gái đã đem lại cho các cụ người cao tuổi tại địa bàn thực hiện mô hình một niềm tin, sự phấn khởi, một không khí vui vẻ thoải mái khi tham gia các hoạt động của mô hình. Từ chỗ chưa có kiến thức về sức khỏe nay đã được trang bị các kiến thức để biết cách phòng tránh bệnh và phát hiện sớm một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, biết cách ăn uống, dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Đồng thời giúp người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống có ích”.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã triển khai được mô hình này tại 10 xã, phường (mỗi mô hình thực hiện 02 năm liên tiếp). Đáng chú ý, từ mô hình thí điểm của thành phố, 23/30 quận, huyện, thị xã đã nhân rộng mô hình này trên địa bàn quận,huyện, thị xã. Mô hình thực sự có hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi quan niệm phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già của người dân.

Thúy Nga