Giáo dục

Nên xóa bỏ chương trình đào tạo thạc sĩ dạy 100 người như 1

  • Tác giả : Nguyên Khôi
(khoahocdoisong.vn) - Những chương trình đào tạo thạc sĩ nặng lý thuyết giáo điều, dập khuôn, dạy học 100 người như 1, không phát huy hết giá trị, tiềm năng của người học thì nên xóa bỏ.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quốc Trị, trường đại học Sư phạm Hà Nội tại Hội thảo khoa học quốc gia về  “quản lý chất lượng đào tạo sau đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đưa ra bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ hiện nay.  Trong đó, đặc biệt là vấn đề tính ứng dụng của chương trình đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết, chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang theo hướng ứng dụng. Tuy nhiên, chưa thực sự bài bản, thống nhất và hiệu quả.

Cụ thể, các học viên cao học ở nhiều trường vẫn chưa chủ động trong lựa chọn đề tài nghiên cứu, phần nhiều là do khoa chuyên môn gợi ý. Đây là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý tính ứng dụng của đào tạo sau đại học khó gắn liền với nhu cầu sử dụng thực tiễn của người học.

Ví dụ, các chức danh hiệu trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa, giảng viên…được đào tạo cùng một nội dung chương trình như nhau, chỉ có khác nhau về luận văn tốt nghiệp. Như vậy, năng lực cần ngay trước mắt để nâng cao hiệu quả công việc lại không có, còn những mảng kiến thức "cao siêu" ở đâu đó sau này mới có cơ hội dùng tới.

PGS.TS Nguyễn Quốc Trị, trường đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Quốc Trị, trường đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Quốc Trị cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các trường buộc phải đưa chương trình đào tạo thạc sĩ đến gần hơn với thực tế và nhu cầu của người học, nếu không thì cho dừng đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến nội dung chương trình đào tạo, chỉ để ý quy chế, quy định đủ điều kiện được cấp phép. Thậm chí nhiều nơi đấu tranh vì lợi ích để được đào tạo trình độ thạc sĩ, chưa tập trung đến phát huy thế mạnh của người học.

Tới đây Bộ GD&ĐT cùng các trường sẽ xem xét nâng chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo lên cao hơn, không để tình trạng cho ra lò ồ ạt quá nhiều thạc sĩ mỗi năm. Dần đẩy mạnh chú trọng năng lực thực sự và tính ứng dụng cho người học.

Sẽ hướng tới một chương trình thạc sĩ ứng dụng cao, cho người học được tự chọn môn học, tự lựa chọn kết quả nghiên cứu và luận văn phải ứng với công trình cụ thể, có địa chỉ, kết quả thực thi tốt. Chỉ khi đảm bảo được các điều kiện đó, mới đạt được yêu cầu của hội đồng.

Nguyên Khôi