KINH TẾ

Năng suất lao động Việt Nam: Tăng nhanh, nhưng kết quả vẫn thấp

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Bên cạnh các yếu tố về khoa học công nghệ, đào tạo, chính sách tiền lương là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới năng suất lao động. Việt Nam đang ở giai đoạn cuối thời kỳ dân số vàng và sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Nửa dưới bảng xếp hạng

Tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian đã cải thiện đáng kể, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), tăng 6% so với năm 2017.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, nhiều điểm nghẽn khiến năng suất lao động Việt Nam chưa "bung" được. Đó là thể chế, chính sách, pháp luật. Đặc biệt, quan trọng nhất là yếu tố tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo cơ chế thị trường. “Lương cao thì làm việc mới tận tụy được"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, nếu xét chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động năm 2018 (tương đương 4.521 USD/1 lao động) cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011 thì tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm. Tốc độ này đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Nhưng xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Lý giải tình trạng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có 4 nguyên nhân chính. Trong đó, một là do dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. Thứ hai, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. 

Nguyên nhân thứ ba là đất nước ta đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. 

Cuối cùng, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp. Doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.

Ngoại "bên" nội?

Theo đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), việc so sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước khác có phần khập khiễng. Như với ngành điện tử, không thể so sánh năng suất khi gia công với công đoạn cao cấp là thiết kế sản phẩm như ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu so sánh trong cùng một công đoạn là gia công sản phẩm cuối cùng, năng suất lao động và giá trị gia tăng trên đầu ra của Việt Nam tương đương với các nước khác.

Do vậy, theo vị này, nếu muốn có thêm giá trị gia tăng và nâng năng suất lao động, cần tập trung để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào khâu tiền sản xuất và hậu sản xuất (từ thiết kế sản phẩm cho đến marketing bán hàng).

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch HĐQT Viettel lại cho rằng, điều quan trọng nhất để tăng năng suất là quy hoạch ngành nghề, địa phương và doanh nghiệp, hay nói cách khác là tập trung cho những gì mũi nhọn và đứng đầu. Sau khi quy hoạch, việc ứng dụng khoa học công nghệ hay quản trị tiên tiến mới cần bàn đến.

Thực tế, tại Việt Nam, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội, mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Vì vậy, để cải thiện năng suất lao động, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung các giải pháp ở tầm vĩ mô, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

Do đó, Chính phủ cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong nền kinh tế Việt Nam, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất. Do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên. Tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ thấp nhất trong các khu vực kinh tế.

Tuyết Vân