Giáo dục

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng phát triển kỹ năng nghề

  • Tác giả : Hà Thu
(khoahocdoisong.vn) - Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Báo Nhân Dân phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thực hiện, các đại biểu đã tập trung thảo luận để tìm ra những giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm: TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH); Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM; ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM (HBA).

Tận dụng lực lượng lao động

Phát biểu khai mạc cuộc giao lưu trực tuyến, nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân dân điện tử cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Thế mạnh nhân công giá rẻ cùng các nguồn lực sản xuất khác như đất đai, cơ sở hạ tầng với chi phí thấp không còn phù hợp bối cảnh toàn cầu hóa và bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Toàn cảnh buổi giao lưu.

Toàn cảnh buổi giao lưu.

Đây là thời điểm sống còn để Việt Nam đổi mới, tăng năng suất lao động. Nếu Việt Nam không chớp được thời cơ này sẽ bị tụt hậu. Cũng tinh thần đó, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chỉ thị 24/CT-TTg đặt mục tiêu theo lộ trình đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Hiện Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, có một lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu. Đây là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại. Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, ý thức lao động.

Theo TS Phạm Tất Thắng, nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa. Trong bối cảnh Việt Nam vừa ký một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì đây là cơ hội vàng cho Việt Nam. Những hiệp định này vừa là cơ hội về cơ chế chính sách, vừa tận dụng được tốt nguồn nhân lực đang ở giai đoạn dân số vàng.

Đào tạo gắn kết nhà trường và doanh nghiệp

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, sau khi Chỉ thị 24 ra đời, việc triển khai các cơ chế chính sách được chúng ta đặt ra cụ thể. Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành ngay kế hoạch hành động, Tổng cục cũng có kế hoạch cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành các kế hoạch chi tiết để triển khai chỉ thị này. Chúng ta hiện nay đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương.

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi giao lưu.

TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi giao lưu.

Hiện có khoảng 2.000 cơ sở GDNN, tuy nhiên cái khó là chúng ta cần biết rằng thị trường hiện nay, trong 5 - 10 năm tới như thế nào. Quy mô nhân lực qua đào tạo là bao nhiêu, cơ cấu ngành nghề, yêu cầu về năng lực làm sao... để từ đó các trường tổ chức thiết kế chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình, tiếp tục đổi mới các điều kiện để bảo đảm chất lượng chương trình, giáo trình, cho đến cơ sở vật chất trang thiết bị và năng lực đội ngũ nhà giáo. Quan trọng là phải gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

TS Trương Anh Dũng cho biết thêm, chuẩn hóa là tất yếu vì trong chỉ thị Thủ tướng đặt ra, chúng ta hình dung nếu như hiện nay chỉ có 25% lực lượng lao động được đào tạo, thì rõ ràng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh bị ảnh hưởng, đồng thời cũng phải hướng tới hội nhập thị trường lao động quốc tế.

Bộ đang tập trung đến một số giải pháp. Đầu tiên là thể chế. Trong Bộ luật Lao động mà Quốc hội đã thông qua năm 2019, chương đầu tiên về phát triển kỹ năng và GDNN đã đặt ra yêu cầu là phải chuẩn hóa về các kỹ năng cho lực lượng lao động. Bộ đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng các lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống GDNN, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trên thị trường lao động hiện nay có nhiều người lao động đang làm việc nhưng không có chứng chỉ ngành nghề.

Với vai trò Hiệp hội các doanh nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội HBA Trần Thiên Long cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh mới thì các trường cần xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp. Thông qua các hội thảo xây dựng chương trình đào tạo, triển khai công nghệ, nghiên cứu dự báo tương lai của nhà trường nên có sự tham gia của doanh nghiệp, vì nó sẽ tạo ra sự gắn kết đào tạo theo nhu cầu...

Cần phối hợp doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại xưởng, trường. Trường có cơ sở hạ tầng, nhà máy có máy móc, chuyên gia. Sự kết hợp đào tạo sản xuất tại xưởng nhà trường sẽ rất hay, đây là sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Với sự phối hợp như trên, người học ra trường bản lĩnh hơn, vững vàng hơn, tiếp cận thực tiễn giá trị hơn.

Hà Thu