Giáo dục

Muốn đưa xác suất thống kê vào từ lớp 1

  • Tác giả : Mai Loan (thực hiện)
(khoahocdoisong.vn) - Chủ biên SGK Toán cấp tiểu học, PGS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ, trước đây Ban soạn thảo chương trình muốn đưa xác suất thống kê vào ngay từ lớp 1. Nhưng đổi mới chương trình cần phải chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, tâm lý cho mọi người, nên cuối cùng đã lựa chọn giới thiệu từ lớp 2.

Đã có xác suất thống kê, nhưng chưa gọi tên

Thông tin sẽ học xác suất thống kê từ lớp 2 ở chương trình giáo dục phổ thông mới đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng và gây nên những luồng tranh luận trái chiều. Lý do nào khiến các nhà biên soạn sách lại đưa nội dung này vào từ lớp 2, thưa ông?

Thực ra chương trình hiện hành của mình từ cấp tiểu học cũng đã có những nội dung về thống kê rồi. Ví dụ như việc kiểm đếm, ghi lại số liệu, đọc, nhận xét, đó chính là thống kê… Có điều chưa đưa vào thành một mạch kiến thức xuyên như trong chương trình mới.

Việc xác định “xác suất thống kê” là một trong ba mạch kiến thức xuyên suốt của môn Toán bên cạnh “Số - Đại số - Một số yếu tố Giải tích” và “Hình học – Đo lường”  với mục đích nêu bật lên vị trí và tầm quan trọng của các kiến thức về “xác suất thống kê” trong toán phổ thông.

PGS.TS Lê Anh Vinh, Chủ biên SGK Toán cấp tiểu học.

PGS.TS Lê Anh Vinh, Chủ biên SGK Toán cấp tiểu học.

Vì sao lại phải nêu bật lên tầm quan trọng của việc này, thưa ông?

Thực tế hiện nay các nội dung về thống kê và xác suất đang được dạy rất ít trong chương trình phổ thông. Thời lượng ít mà lại dạy muộn nên khi học, ngay lập tức học sinh phải làm quen với những khái niệm khó, phức tạp.

Còn nếu đưa môn học này vào sớm, từ nhỏ học sinh đã được dạy những kỹ năng cơ bản, khái niệm đầu tiên thì khả năng tư duy cũng như kiến thức sẽ được phát triển dần lên và sau này sẽ không có cảm giác quá khó khăn khi tiếp xúc những nội dung  phức tạp hơn.

Nhưng học sinh lớp 2 học xác suất thống kê liệu có khó?

Học xác suất thống kê ở lớp 2 chỉ ở mức độ đọc được số liệu từ biểu đồ tranh, biểu đồ có hình ảnh. Sau đó học sinh có thể tập ghi chép cơ bản lại các số liệu và đưa ra những nhận xét đơn giản. 

Ở vị trí của người làm chuyên môn, đặc biệt là người biên soạn sách, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi đưa nội dung này vào ở ba khía cạnh: Thứ nhất là không tạo áp lực cho học sinh, thứ hai là sự cần thiết và thứ ba có thể giúp cho cả giáo viên và học sinh thấy dễ dạy và dễ học toán hơn vì thấy toán học rất gần gũi đối với cuộc sống.

Rất nhiều nước họ đưa môn học xác suất thống kê vào ngay từ lớp 1. Mới đầu, trong dự thảo chương trình, Ban soạn thảo cũng muốn đưa xác suất thống kê vào từ lớp 1. Nhưng đổi mới chương trình cần phải có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, về tâm thế, tâm lý cho tất cả mọi người. Vì vậy, cuối cùng, nội dung này được quyết định đưa vào chương trình lớp 2.

Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết của việc học xác suất thống kê từ sớm?

Theo tôi, học sinh Việt Nam có hai điểm yếu khá rõ. Điểm yếu thứ nhất là tư duy về số liệu thống kê, thiếu sự kiểm chứng qua số liệu. Cả người lớn cũng mắc vấn đề này. Thứ hai là về khả năng ước lượng, cả về số lượng, độ dài hay cân nặng. 

Việc đưa xác suất thống kê vào từ sớm theo tôi sẽ giúp cho học sinh có thói quen suy nghĩ một cách khoa học. Các em sẽ có quan sát dựa vào chứng cứ nhiều hơn. 

Phấn khởi vì mọi người… phản ứng

Cảm xúc của ông, Tổng chủ biên một cuốn sách giáo khoa cho chương trình Toán tiểu học như thế nào trước những phản ứng tiêu cực của mọi người?

Khá nhiều người bức xúc là vì trẻ con học đã quá tải rồi giờ lại phải học nặng hơn. Còn với dân toán, hoặc dân chuyên môn thì lại bức xúc ngược lại là tại sao mọi người không chịu đọc kĩ đã phản ứng?

Như vậy, mọi người đều có phản ứng và bản thân tôi cảm thấy khá phấn khởi. Bởi phản ứng chính là dấu hiệu của sự quan tâm. Mà khi họ quan tâm thì mình sẽ có cơ hội để thay đổi, đó là dấu hiệu tích cực. Chỉ khi mình đưa ra cái gì mới, xã hội cũng không quan tâm, đó mới là điều đáng ngại.

Tôi cho rằng, sau này, nếu thấy trẻ con hào hứng học thì rồi mọi người sẽ yên tâm thôi.

Ông tin chắc rằng, trẻ sẽ hào hứng học?

Phải thừa nhận rằng, chương trình hiện hành của chúng ta khá nặng về mặt kiến thức. Và các thầy cô dạy cũng nặng về kỹ năng giải bài.

Ví dụ, nếu cho một bài toán gắn với bối cảnh thực tế thì giáo viên thường chỉ chú trọng vào dạy công thức, ra được đáp số mà không quan tâm tới bối cảnh, ý nghĩa của bài toán.

Có nhiều cách dạy toán khiến tôi cũng thấy sốc. Khi đọc đề bài thì giáo viên gạch bớt từ đi, chỉ cần biết bài toán này dạng gì, sau đó điền thêm một vài từ theo mẫu để ra được câu trả lời.

Trong khi đó, thống kê là bài toán gắn với bối cảnh thực tế để học sinh hiểu bài toán hơn, hiểu bài toán đó học để làm gì. Khi học sinh hiểu tại sao lại phải học Toán, học Toán có lợi ích gì thì các bạn nhỏ sẽ hào hứng thôi.

Toán vốn gắn với một môn học khó và khiến học sinh “sợ”. Môn Toán Tiểu học ở chương trình mới sẽ có điểm gì khác so với chương trình hiện hành, và có khắc phục được điều này không, thưa ông?

Khi tiếp cận dạy Toán cho học sinh tiểu học,  chúng tôi luôn xác định rõ ba mục tiêu. Mục tiêu số một là giúp cho học sinh yêu thích và hứng thú với môn học, mục tiêu thứ hai là học sinh thấy Toán học gần gũi và thiết thực, mục tiêu thứ ba là giúp học sinh phát triển khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề.

Trường hợp nếu thầy cô vì áp lực học sinh phải làm được bài, điểm số thật cao, có thể sẽ tập trung vào mục tiêu thứ ba quá mà quên hai mục tiêu đầu tiên. Điều này khiến học sinh không cảm thấy hứng thú với môn học. Thậm chí có những bạn học “tốt” môn Toán những không hề thích Toán một chút nào.

Cuốn sách giáo khoa mới của chúng tôi được thiết kế tạo rất nhiều chất liệu, nhiều cơ hội cho các thầy cô làm cho các buổi học vui hơn, hứng thú hơn và mang lại niềm vui cho học sinh.

Tuy nhiên, theo tôi, tạo được hứng thú cho học sinh, quan trọng nhất vẫn là người thầy, chứ không phải chương trình sách giáo khoa.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Điểm đặc biệt nhất của cuốn sách Toán tiểu học mà tôi làm chủ biên đó là có nhiều trò chơi Toán học và các em thông qua trò chơi để học kiến thức và có những trải nghiệm thú vị. Ví dụ, trong bài học dạy học sinh xem giờ, chúng tôi thiết kế một trò chơi là đưa ong về tổ, các em sẽ đọc giờ thông qua trò chơi”, PGS.TS Lê Anh Vinh.

Mai Loan (thực hiện)