Bỏ một bên mắt để ngăn hoại tử lan rộng
Cụ ông 77 tuổi mắc bệnh Zona thần kinh biến chứng lên mắt gây loét giác mạc, hỏng mắt trái, phải bỏ một bên mắt để ngăn hoại tử lan rộng.
Ông Quân mắc bệnh trước đó 10 ngày, nốt mụn phỏng zona xuất hiện ở nửa mặt bên trái, lan qua vùng mắt trái, lên đến đỉnh đầu. Gia đình mua thuốc sử dụng tại nhà, các nốt phát ban đã liền nhưng vẫn cảm thấy đau nhức mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ.
Tại Trung tâm Mắt công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm, kiểm tra thấy giác mạc mắt trái bị loét, hoại tử nặng, không nhìn thấy các tổ chức phía sau. Bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn mắt trái.
Để ngăn hoại tử lan rộng, tránh đau nhức kéo dài, ông Quân buộc phải phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu mắt trái. Bác sĩ giữ lại phần vỏ củng mạc, nhóm cơ vận nhãn… hỗ trợ đặt mắt giả cho bệnh nhân sau này.
![]() |
Múc bỏ cả con mắt do zona thần kinh tấn công, cách gì phòng ngừa - Ảnh BVCC |
Tương tự bà Như, 55 tuổi, bị zona thần kinh tấn công vào mắt, gây viêm giác mạc nặng, bệnh diễn tiến nhanh, nguy cơ hoại tử giác mạc, mù lòa.
“Các vết sang thương đỏ, sần, dạng bóng nước xuất hiện nhiều ở một bên mặt người bệnh, có xu hướng lan rộng trùng khớp với vị trí giải phẫu của các dây thần kinh vùng mặt”, BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh, Đơn vị Bệnh truyền nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết.
Bệnh diễn tiến rất nhanh, chỉ trước đó hai ngày, bà Như có cảm giác cộm, ngứa, châm chích, khó chịu bên trong mắt phải, không rõ nguyên nhân. Sau đó, mắt ngày càng sưng đỏ, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt.
Đồng thời, mụn nước mọc lên và lan rộng quanh mắt. “Tôi tự mua thuốc uống và nhỏ mắt tại nhà, nhưng cảm giác đau nhức mắt ngày càng nhiều, tôi mất ngủ, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi”, bà Như nói.
![]() |
Bà Như, 55 tuổi, bị zona thần kinh tấn công vào mắt - Ảnh BVCC |
Bà Như được nhập viện điều trị khẩn cấp. Hội chẩn đa chuyên khoa sâu nội tổng hợp, thần kinh, da liễu, mắt, nội tiết – đái tháo đường, bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa cho bệnh nhân. Kết hợp dùng nhiều loại thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau, kiểm soát đường huyết. Đồng thời, theo dõi nguy cơ virus Varicella Zoster tiếp tục lan rộng, gây ra các biến chứng khác của bệnh zona thần kinh.
Sau năm ngày điều trị tích cực, sức khỏe bà Như dần hồi phục, mắt phải giảm viêm, giảm sưng đỏ. Thị lực dần cải thiện tốt, các sang thương trên da cũng lặn dần. Bệnh nhân không xuất hiện thêm biến chứng khác do zona thần kinh. Các xét nghiệm cận lâm sàng đều trong giới hạn bình thường.
Hai ngày sau, bà Như được xuất viện và tái khám sau một tuần. Bác sĩ khuyến cáo bà Như tiêm vaccine Shingrix để phòng ngừa zona thần kinh và các biến chứng tái phát.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, zona thần kinh tấn công vào mắt gây viêm giác mạc nặng như các trường hợp trên là rất nghiêm trọng. Càng để lâu, virus càng tấn công sâu vào các lớp bên trong mắt hoặc lan sang các cơ quan khác.
Bệnh đồng mắc trên nền bệnh đái tháo đường thì mức độ nguy hiểm càng cao. Nguy cơ cao mất kiểm soát đường huyết, bội nhiễm vi trùng nặng, liệt dây thần kinh mặt, thậm chí nhồi máu cơ tim, đột quỵ, stress nặng, rất nguy hiểm.
Người có yếu tố nguy cơ cao cần chú ý
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, zona thần kinh (giời leo) là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella-Zoster gây ra, đồng thời là virus gây bệnh thủy đậu. Mầm bệnh ẩn trong các hạch thần kinh sau khi khỏi thủy đậu, tái hoạt động khi cơ thể suy giảm miễn dịch, gây bệnh zona thần kinh.
![]() |
Thăm khám cho bệnh nhân sau điều trị - Ảnh BVCC |
Người có nguy cơ cao mắc zona: Người cao tuổi; Suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh lý như HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường; Sử dụng thuốc hoặc liệu pháp điều trị gây ức chế miễn dịch...
Zona thần kinh có triệu chứng đặc trưng và dễ quan sát như phát ban, sốt, mệt mỏi… nhưng đồng thời cũng có thể gây ra nhiều bệnh lý tại mắt như viêm kết, giác mạc, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, viêm dây thần kinh thị giác… với các biểu hiện sưng đỏ, nhìn mờ, đau nhức mắt.
Đa số người bệnh chỉ quan tâm tới các triệu chứng ngoài da, chủ quan tự điều trị tại nhà khiến bệnh tại mắt không được kiểm tra và can thiệp điều trị kịp thời, dẫn tới biến chứng đáng tiếc, trong đó, biến chứng nghiêm trọng nhất là mất thị lực vĩnh viễn.
"Khi thấy cơ thể xuất hiện các mụn nước Zona thần kinh ở vùng mặt, nên sớm tới kiểm tra với các bác sĩ da liễu và bác sĩ mắt để khám, đánh giá tình trạng và điều trị phù hợp.
Chú ý không chạm tay lên mắt khi có tổn thương zona trên mặt, tránh để mụn nước vỡ gây chảy dịch vào vùng mắt.
Chủ động tiêm vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên và nhóm có nguy cơ cao như bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền", PGS.TS.BS Hiệp khuyến cáo.