Đời sống

Mua, sử dụng máy đo nồng độ oxy SpO2: Đơn giản nhưng nguy hiểm... khi sai số

  • Tác giả : Tuyết Vân
Con số F0 tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, nhưng có tới 98% F0 đang tự điều trị tại nhà. SpO2 là thiết bị không thể thiếu khi F0 tự điều trị. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng, các chỉ số sai lệch rất dễ dẫn đến nhầm lẫn, hoang mang, điều trị sai...
may-do-spo2-4.jpg

Chọn máy SpO2 nào?

BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, SpO2 là viết tắt của Saturation of peripheral oxygen, có nghĩa là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Đây được coi là một trong các chỉ số quan trọng để xác định dấu hiệu sinh tồn của cơ thể con người. Chỉ số SpO2 là tỷ lệ lượng oxy đang được vận chuyển bởi các tế bào hồng cầu nhằm duy trì sự cân bằng SpO2 trong máu.

Thiết bị đo SpO2 có cấu tạo chính gồm đèn LED và cảm biến ánh sáng đặt đối diện nhau. Sự thay đổi sóng ánh sáng đi qua các mạch máu, mao mạch dưới đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai đến cảm biến sẽ cho tỷ lệ độ bão hòa oxy trong máu (% SpO2). Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo gia đình có F0 cần theo dõi chặt chẽ chỉ số này để có thể phát hiện nhanh chóng những bất thường trong điều trị khi có sự thiếu hụt oxy trong máu, từ đó nhanh chóng xử lý kịp thời, tránh các biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo khảo sát của phóng viên Khoa học và Đời sống, nhu cầu sử dụng máy đo SpO2 thời điểm này tăng đột biến, thị trường khá nhộn nhịp nhưng không có hiện tượng khan hiếm. Sản phẩm có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng thiết bị y tế, nhà thuốc và các trang thương mại điện tử... Máy đo SpO2 đa phần có kích thước nhỏ gọn, thiết kế kiểu dáng như một chiếc kẹp. Có 2 loại là máy đo cầm tay và để bàn. Về cơ bản, các máy đều có 2 chức năng như nhau: đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu.

Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ một cửa hàng thiết bị y tế trên phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội cho biết, hiện thị trường có khoảng 30 - 40 loại máy đo SpO2, đa phần xuất xứ từ Trung Quốc, một số của các hãng y tế Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... Các thiết bị này có giá chênh nhau “một trời một vực”. Tùy nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, thương hiệu, tính năng... mà thiết bị có giá từ 70.000đ đến trên dưới 2 triệu đồng. Máy đo nồng độ oxy trong máu cho trẻ em IMediCare IO-I1 Singapore có giá từ 1.899.000 - 2.199.000đ. Các máy loại bình dân xuất xứ từ Trung Quốc có giá chỉ từ 70.000 – 400.000đ. Máy thương hiệu Beurer PO30 của Đức có giá 2.400.000đ.

Theo chị Nguyễn Thu Thủy, những thiết bị giá cao ngoài thương hiệu uy tín, độ bền còn có độ chuẩn xác, kết nối bluetooth và nhiều công dụng khác đi kèm. Thông thường máy tốt có giá khoảng 400.000đ trở lên. Những máy giá rẻ, vài chục nghìn luôn hiển thị chỉ số tốt (98 - 99%), không chính xác, không phát hiện nguy cơ thiếu oxy ở người bệnh sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Rất nhiều khách hàng phản ánh các thiết bị SpO2 rẻ tiền chập chờn, nhảy số lung tung, chỉ số sai, thậm chí kẹp bút bi thay ngón tay vẫn lên chỉ số.

Theo các chủ cửa hàng thiết bị y tế “chợ” Phương Mai, khi mua máy SpO2 cần chọn sản phẩm của các hãng y tế uy tín, có chính sách bảo hành dài hạn. Không chỉ dùng trong thời gian bị F0 mà máy còn sử dụng trong theo dõi sức khỏe lâu dài, vì vậy, các gia đình có điều kiện nên đầu tư loại tốt, có kết nối điện thoại thông minh hiển thị biểu đồ chỉ số trong suốt thời gian bị bệnh. Nên chọn mua thiết bị có khoang ngón tay phủ silicone tạo cảm giác êm ái cho người già và trẻ nhỏ. Máy phải có tem nhãn bảo hành, giấy chứng nhận đạt chuẩn y tế. Ưu tiên những thiết bị có chức năng cảnh báo pin yếu và yêu cầu sạc mỗi khi pin yếu để chỉ số đo chuẩn xác.

spo22.jpeg

Trang bị kiến thức khi sử dụng

Theo BS Trần Thị Hải Ninh, việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản, nhưng rất dễ có sai số trong quá trình thao tác, dẫn đến khó hiểu và gây hoang mang cho người bệnh.

Ở cơ thể người bình thường, chỉ số oxy hóa máu tốt cho giá trị SpO2 dao động ở mức 95 - 100%. SpO2 từ 94 - 96% là chỉ số oxy trong máu trung bình, cần thở thêm oxy. Trường hợp SpO2 từ 90 - 93% là chỉ số oxy trong máu thấp, cần liên hệ ngay y tế. SpO2 dưới 92% không thở oxy hoặc dưới 95% có thở oxy là dấu hiệu suy hô hấp rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng.

Tuy nhiên, với những trường hợp F0 tự điều trị và đo SpO2 tại nhà, các chỉ số đôi khi không chính xác do người dùng thiếu kiến thức sử dụng. Cụ thể, khi dùng thiết bị đo SpO2 phải xoa ấm bàn tay, hít thở sâu, giữ cơ thể ở trạng thái thư giãn. Kẹp thiết bị đo SpO2 vào ngón tay đặt trên mặt bàn, không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác. Các chị em sơn móng tay máy sẽ không cho kết quả hoặc kết quả không chính xác. Những người huyết áp thấp, chân tay lạnh, cử động nhiều hoặc đo ở môi trường có ánh sáng cao chiếu vào thiết bị, máy cũng báo lỗi hoặc cho kết quả không chính xác. Độ sai lệch của thiết bị đo thường là ± 2%, do vậy, cần kết hợp thêm nhiều biểu hiện của cơ thể để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Theo BS Hoàng Tuấn Thành, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nhiều trường hợp F0 có các bệnh lý gây co mạch ngoại vi (do sốt hay hạ thân nhiệt, hạ huyết áp) hoặc bệnh lý về máu (như thiếu máu, hemoglobin bất thường...), máy đo SpO2 có thể cho kết quả không chính xác. F0 là trẻ nhỏ hiếu động, cử động chân tay trong lúc đo cũng cho độ chính xác kém. Để kết quả hiển thị đúng nhất, cha mẹ nên đo SpO2 ở thời điểm trẻ nghỉ ngơi như khi đã ngủ, ngồi yên tĩnh...

may-do-spo2-3.jpg

Theo ThS.BS Đặng Thanh Tuấn, Tổ Đặc nhiệm Hồi sức hô hấp, TPHCM, một trong những tình trạng khiến nhiều gia đình hoang mang là thiết bị SpO2 báo động cảnh báo nhịp tim tăng cao. Đây là cảnh báo thường gặp khi người bệnh F0 đang bị sốt hoặc hoặc vận động quá mức. Khi trẻ nhỏ sốt, thân nhiệt trên 37.8°C, nhịp tim sẽ đập nhanh quá mức trung bình nên máy đưa ra cảnh báo. Đây là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể nhằm cố gắng hạ thân nhiệt. Do vậy, các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang. Khi trẻ hạ sốt, nhịp tim sẽ trở lại bình thường.

Theo nghiên cứu khoa học, nhịp tim 200 lần/phút với trẻ sơ sinh; 160 lần/phút với trẻ dưới 1 tuổi; 140 lần/phút với trẻ 1 – 2 tuổi; 130 lần/phút với trẻ 2 – 6 tuổi; 120 lần/phút với trẻ 7 – 12 tuổi là bình thường. Khi vượt quá mức này là trẻ sốt. Ở người trưởng thành, mỗi phút tim đập trung bình từ 60 - 100 nhịp. Tim trên 100 nhịp/phút là nhịp tim nhanh, dưới 50 nhịp/phút là nhịp tim chậm. Khi ngủ, nhịp tim trung bình của người lớn là từ 50 đến 90 nhịp/phút. Do vậy, khi thiết bị SpO2 cảnh báo, cần bình tĩnh xem xét các chỉ số, nguyên nhân cũng như các dấu hiệu của cơ thể để đưa ra chẩn đoán chính xác, tránh hoang mang. Cần đo lại vài lần để có độ chính xác cao hơn.

Theo các bác sĩ, độ chính xác khi đo chỉ số SpO2 phụ thuộc một số yếu tố, do đó, việc tự đo chỉ số SpO2 đơn độc tại nhà không giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý các triệu chứng đi kèm để liên hệ nhân viên y tế tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Các bước đo độ bão hòa oxy máu (SpO2) chính xác gồm:

Bước 1: Ấn nút nguồn kiểm tra tình trạng của máy.

Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy, đầu ngón tay che kín bộ phận cảm biến trong khe hẹp.

Bước 3: Bấm nút nguồn và không cử động tay trong thời gian đo.

Bước 4: Đọc kết quả trước khi máy tự động tắt. Nếu SpO2 ≤ 96%, phải thông báo ngay với trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Tuyết Vân