Đời sống

Mỗi người phải có trách nhiệm với nhau

Mỗi người phải có trách nhiệm với nhau, đ

• Khỏe mạnh là điều hạnh phúc

Ông Vũ Trường Sinh.

Có những việc cần làm, nên làm và phải làm

Mùa đông năm ngoái, mờ sáng ông Sinh dậy, mở cửa ra thì thấy có kẻ đang lôi xe máy nhà hàng xóm chạy. Ông liền đuổi theo, được một đoạn thì chúng vứt xe lại, rút dao ra, rồi nhảy lên xe máy của đồng bọn tẩu thoát.

Ông bảo, đấy là một việc làm bình thường mà ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng nên làm. Dù trước mỗi sự việc cụ thể, mỗi người sẽ có những phản ứng rất khác nhau. Phụ nữ chân yếu tay mềm thì có thể hô hoán hay gọi điện báo cảnh sát.

Thậm chí, nếu người ta có im lặng thì cũng không có gì đáng trách, bởi những tên cướp đó có vũ khí, nguy cơ nguy hiểm cao, họ phải nghĩ đến sự an toàn của bản thân trước tiên.

Nhưng mình là đàn ông, cứ nghĩ đến sự an toàn của những người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng, của chính khu vực mình đang sống, thì không thể lặng im được. Hơn nữa, tâm lý của kẻ trộm là đang làm việc phạm pháp, nên kể cả có vũ khí thì vẫn ở thế yếu, dễ hoảng sợ, còn cái thế của mình là lẽ phải, là chủ động.

Không chỉ bây giờ đã về hưu rồi ông mới sống như thế. Mà trước đây, khi còn đang công tác trong ngành dầu khí cũng vậy, thấy chuyện bất bình là ông không thể bỏ qua.

Quan niệm của ông là, mỗi người đều có những việc cần làm, nên làm và phải làm. Khi đã thấy cần làm thì phải làm cho bằng được, dù việc đó có thể khiến mình phải va chạm với người nọ người kia, thậm chí nhiều người còn cho mình là gàn dở.

Điều buồn nhất của ông không phải là phải chịu thiệt thòi trong công việc, phải về hưu sớm… mà chính là sự quay lưng của những người mình đã lên tiếng bảo vệ. Lúc đầu chính vì quyền lợi của cán bộ công nhân viên, mà ông có ý kiến về việc lương của anh em quá thấp.

Rồi đến khi nghe người ta xúi giục, hứa hẹn gì đó, họ lại quay ra tố cáo ông. Mãi đến sau này, khi biết đã bị lừa, họ lại tới tìm ông để xin lời khuyên.

Quan trọng là sống đúng với bản chất

Ông Sinh chia sẻ, con người ta ai cũng vì lợi ích bản thân, cứ nói không vì cá nhân mình là không đúng. Nhưng cũng phải nghĩ đến lợi ích chung. Ta làm một việc này vì có lợi cho mình, cho tập thể, cho xã hội, phải hài hòa được cả ba lợi ích đó.

Nếu chỉ nghĩ đến mình mà quên đi tập thể, xã hội là không được. Ác hơn nữa là những kẻ chỉ biết vơ vào mình mà ăn cả vào phần của người khác.

Chính trong ngành dầu khí của ông, xảy ra nhiều sai phạm đến như vậy cũng là do không cân bằng được ba lợi ích đó. Lãnh đạo cứ nhìn thu nhập bình quân của cán bộ là 9-10 triệu đồng/tháng, mà không thầy rằng, có những người thu nhập mấy chục triệu, còn những người khác chỉ có một vài triệu, không đủ sống. Và đáng buồn hơn là những người nói lên bất công đó, lại không được lắng nghe, thậm chí bị gây khó dễ.

Biết là sống ngay thẳng thì thiệt thòi nhiều, nhưng với ông Sinh, điều quan trọng là mình sống đúng với bản chất, với cái tâm của mình. Mà đã là bản chất thì không thể thay đổi được, nên chẳng có gì phải hối tiếc.

Điều đó ông chịu ảnh hưởng nhiều từ lớp cha chú mình, những người đã sống hết mình vì sự nghiệp chung. Thứ nữa là từ nghề nghiệp (ông là kỹ sư mỏ địa chất), dân kỹ thuật nên cách sống rất rõ ràng.

Căn hộ tập thể cũ kỹ, người đàn ông dáng khắc khổ, một lối sống trọng nghĩa, thẳng thắn và kiên cường. Thật may mắn là trong cuộc đời này vẫn còn những con người như thế, để chúng ta có thể tin vào những điều tốt đẹp.

Tôi nhớ mãi một câu ông Sinh nói, những việc tốt chúng ta làm, không chỉ để người khác làm theo, mà quan trọng hơn là nó khơi dậy ý thức vì mọi người, vì cộng đồng. Dù chỉ là cái cộng đồng nhỏ nơi mình sống. Hạnh phúc là ở chỗ đấy.

Tuệ Minh