Y học và đời sống

Mất cân bằng hormone có phải do rối loạn tuyến giáp gây ra?

  • Tác giả : BS Nguyễn Xuân Tuấn
Rối loạn tuyến giáp có thể gây ra nhiều triệu chứng giống với các rối loạn khác, vì vậy chẩn đoán chính xác dựa trên xét nghiệm và đánh giá toàn diện là rất quan trọng để điều trị đúng nguyên nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Khi bệnh nhân gặp các triệu chứng không rõ nguyên nhân như mệt mỏi, rối loạn tâm trạng, tăng cân, khô da, rụng tóc hoặc cảm thấy không khỏe, nhiều người thường nghĩ ngay đến "mất cân bằng hormone" và cho rằng nguyên nhân có thể do rối loạn tuyến giáp.

Thực tế, hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hòa trao đổi chất ở hầu hết các tế bào trong cơ thể, và rối loạn tuyến giáp có thể gây ra nhiều triệu chứng đa dạng.

Khi nào nên nghi ngờ rối loạn tuyến giáp?

Xét nghiệm TSH: Nếu nghi ngờ có rối loạn tuyến giáp, xét nghiệm TSH là bước đầu tiên để kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả cần được xem xét trong bối cảnh triệu chứng của bệnh nhân. Khi kết quả TSH không rõ ràng, nên lặp lại xét nghiệm để xác nhận.

Biotin làm đẹp ảnh hưởng đến kết quả TSH: Biotin, một thành phần thường có trong các sản phẩm làm đẹp, có thể khiến TSH giảm giả, dẫn đến kết quả không chính xác. Bệnh nhân nên ngừng biotin từ 2-3 ngày trước khi xét nghiệm.

Bệnh lý không phải tuyến giáp: Nếu TSH bất thường nhưng bệnh nhân đang mắc các bệnh cấp tính khác, đây có thể là hội chứng “bệnh lý không phải tuyến giáp”. Trong trường hợp này, TSH thường tự điều chỉnh sau khi bệnh phục hồi.

Hormon tuyến giáp ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể - Ảnh minh họa

Hormon tuyến giáp ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể - Ảnh minh họa

Giải thích kết quả TSH

TSH tăng cao: Nếu TSH cao, cần xét nghiệm thêm thyroxine tự do (FT4) để xem xét khả năng suy giáp.

TSH thấp: TSH thấp có thể là dấu hiệu của cường giáp. Cần xét nghiệm thêm FT4 và triiodothyronine (T3) để xác định trường hợp “cường giáp T3”, khi TSH thấp nhưng FT4 bình thường.

Các xét nghiệm khác liên quan đến tuyến giáp

Kháng thể tuyến giáp: Xét nghiệm kháng thể thyroperoxidase (TPOAb) hữu ích trong việc tiên đoán nguy cơ suy giáp rõ ở bệnh nhân suy giáp tiềm ẩn. Tuy nhiên, mức độ kháng thể không phản ánh mức độ nặng của bệnh và không cần thiết phải theo dõi định kỳ.

Kháng thể kích thích tuyến giáp (TSI) và kháng thể thụ thể TSH (TRAb) có ích trong việc chẩn đoán cường giáp do bệnh Graves, giúp phân biệt với các tình trạng cường giáp khác.

Nếu mức TSH bình thường?

Mức TSH bình thường thường loại trừ nguyên nhân từ tuyến giáp. Nếu triệu chứng vẫn tồn tại, cần xem xét các nguyên nhân khác như mãn kinh, thiếu máu, tiểu đường, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, tác dụng phụ của thuốc, hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính. Việc đánh giá toàn diện và chẩn đoán chính xác sẽ giúp điều trị đúng nguyên nhân, cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân.

BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, đại học quốc gia Hà Nội)

BS Nguyễn Xuân Tuấn