Giáo dục

Lưu ý về an toàn điện khi trẻ học trực tuyến

  • Tác giả : Mai Loan
Không phải lúc nào cha mẹ cũng ở bên, giám sát được khi trẻ học trực tuyến. Việc giữ an toàn điện cho trẻ là điều cha mẹ cần lưu ý, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Những tai nạn thương tâm

Ngày 10/9, cháu H.H.D., sinh năm 2011, học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội đã bị điện giật tử vong tại nhà. 

Nguyên nhân tai nạn xuất phát từ việc bé D. đã dùng kéo bằng kim loại chọc vào một đầu của sợi dây sạc máy tính khi đang học trực tuyến. 

Trước đó, vào ngày 11/8, cháu bé N.H.L.N., 7 tuổi ở khu 11, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ cũng đã bị điện giật dẫn tới tử vong do đeo tai nghe khi sạc điện thoại.

Vào ngày 21/7, bé trai T.M.K. (7 tuổi, trú tại thôn Quan Điền, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) cũng tử vong do chơi điện thoại.

Những tai nạn trẻ em liên quan đến điện giật liên tiếp xảy ra là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh cần lưu ý hơn nữa đối với giữ an toàn điện cho trẻ, đặc biệt khi trẻ học trực tuyến, phải sử dụng các thiết bị điện.

Tuy nhiên, thực tế, ngay bản thân nhiều phụ huynh cũng chưa thực hiện tốt những an toàn điện. Nhiều người vẫn vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, dùng sạc kém chất lượng… một phần cũng do chưa hiểu, nhận thức được những nguy hiểm của việc làm này. Từ đó, cũng không có được những lưu ý, hay thực hiện an toàn điện đối với trẻ

Không vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, để ổ điện ngoài tầm tay trẻ

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, TS Nguyễn Phan Kiên, giảng viên Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đối với việc vừa sạc vừa sử dụng thiết bị điện tử có kèm pin, có thể tưởng tượng giống như việc vừa ăn vừa chạy, vừa nạp năng lượng vào lại vừa “xả” năng lượng ra.

Khi pin vừa phải nhận dòng sạc vào, lại vừa phải cấp nguồn cho việc sử dụng, trong thời gian ngắn sẽ không sao, nhưng kéo dài, dễ gây nóng máy do quá tải. Nếu pin không tốt có thể dẫn tới việc chập, cháy, nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là khi máy để gần phần đầu, mặt.

Với việc sử dụng sạc, mỗi dòng máy sẽ có những công suất tiêu thụ, pin khác nhau, từ đó sẽ yêu cầu dòng sạc và cách sạc khác nhau. Nếu dùng sạc chuẩn, đồng bộ với máy thì dòng sạc vào máy sẽ ổn định hơn và không bị nóng máy.

Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều trường hợp bị mất sạc, hoặc quên, phải đi mượn, mua sạc không đồng bộ hoặc kém chất lượng. Khi đó, sẽ vẫn sạc được, nhưng có thể có những sự cố.

Nguyên nhân là vì, có thể hiểu nôm na, dòng sạc giống như dòng nước, còn pin, giống như cái bể. Với dòng nước nhỏ, nước sẽ vẫn chảy được vào bể, không sao, chỉ là chảy chậm. Dòng to thì chảy nhanh hơn, tuy nhiên, nếu dòng to quá sẽ làm bể đầy lên nhanh chóng. Trong trường hợp bể không xả, ngắt được gây áp lực lớn có thể dẫn tới vỡ bể, tức nổ pin.

Hoặc cũng có thể làm chai, rút ngắn tuổi thọ pin. Chẳng hạn, đối với pin mới, nếu sử dụng sạc đồng bộ, khoảng 1 ngày mới phải sạc một lần. Nhưng nếu dùng sạc không đúng với máy thì có thể nửa ngày đã hết pin. Dần dần pin sẽ hỏng, và mất đi hệ số an toàn.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, học sinh học trực tuyến và phải sử dụng thiết bị điện. Để giữ an toàn điện cho trẻ, từ những phân tích trên, TS Nguyễn Phan Kiên lưu ý, các bậc phụ huynh cần để ý thời lượng pin sử dụng đối với các loại pin máy tính hoặc pin điện thoại.

Nếu thời lượng sử dụng pin bình thường so với lúc mới mà giảm 70% thì nên thay hoặc để ý nếu sạc điện thoại hoặc các thiết bị mà pin nóng quá cần phải xem lại thiết bị. Một là máy có vấn đề vì sử dụng các ứng dụng quá lớn gây quá tải thiết bị và gây nóng máy, hai là do pin đã bị chai, sạc mãi mà không đầy được hoặc đầy giả.

Do đó, nguyên tắc sử dụng các thiết thiết bị có kèm pin như máy tính hoặc điện thoại thì nên rút sạc khi đầy và khi sử dụng. Khi % pin còn ít hoặc đã hết mới nên sạc lại. Như vậy, pin sẽ không bị chai và giữ được tuổi thọ thiết bị lâu.

Nên sử dụng các loại sạc đồng bộ với điện thoại, máy tính, không sử dụng sạc kém chất lượng, tránh chập cháy và giảm tuổi thọ pin.

Một lưu ý nữa, đó là vị trí đặt các ổ điện, nên nối dài dây, đặt ổ điện sau máy tính, hoặc ngoài tầm tay với của các em. Trẻ vốn hiếu động, khi để ra xa, trong trường hợp các em nghịch ngợm, thì cũng không “táy máy”, buồn tay chọc ngoáy vào ổ điện. Ngoài ra, đề phòng trường hợp, nếu trẻ ăn, uống chất lỏng, nếu lỡ đổ ra bàn cũng không đổ vào ổ cắm, có thể gây giật điện.

“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của bố mẹ, đặc biệt là đối với trẻ ở bậc tiểu học. Các phụ huynh cũng cần dặn dò các con những kỹ năng, cách sử dụng thiết bị điện sao cho an toàn. Và Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh, có những giải pháp dựa trên thực tiễn, cơ sở khoa học bởi không phải bố mẹ nào cũng có thể ngồi bên cạnh, hoặc giám sát con suốt buổi học trực tuyến cũng như không phải gia đình nào cũng có máy tính hay điện thoại thông minh đủ chất lượng để các em có thể học trực tuyến”, TS Nguyễn Phan Kiên nói.

Các gia đình có thể lắp các atomat chống giật, tuy nhiên tính toán sử dụng mỗi atomat cho mỗi thiết bị phải có người chuyên môn tư vấn, không nên tự lắp đặt bởi nếu để nhỏ quá thì có khi, chỉ có một lỗi nhỏ nào đấy atomat sẽ ngắt, nếu để lớn quá thì lại không có tác dụng. 

Trước tai nạn điện giật khiến học sinh tử vong, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và  gia đình, đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn phụ huynh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ…

Mai Loan