Dinh dưỡng

Lưu ý khi uống bia để tránh "rước họa" vào thân

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Bia là loại thức uống được nhiều người ưa chuộng trong các buổi gặp gỡ, giao lưu và giải trí. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, bia có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.

Uống bia khi bụng đói – nguy cơ hại gan, tổn thương dạ dày

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, uống bia khi bụng rỗng khiến cồn thẩm thấu nhanh vào máu, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, chóng mặt và ảnh hưởng đến chức năng gan. Ngoài ra, bia lạnh tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày trống có thể dẫn đến viêm loét hoặc đau dạ dày mạn tính.

Nên ăn nhẹ trước khi uống bia, ưu tiên thực phẩm chứa đạm và tinh bột để làm chậm quá trình hấp thụ cồn.

Kết hợp bia và thuốc lá – tác nhân nguy hiểm gây ung thư

Việc vừa uống bia vừa hút thuốc là một thói quen phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm. Cồn trong bia làm tăng tốc độ hấp thụ các chất độc trong khói thuốc, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan, phổi, thực quản và khoang miệng.

Bia và hải sản – sự kết hợp “kích hoạt” bệnh gout

Cả bia và hải sản đều là thực phẩm giàu purin – chất làm tăng axit uric trong máu. Khi sử dụng đồng thời, lượng axit uric tăng đột biến dễ dẫn đến tình trạng viêm khớp cấp tính và phát triển thành bệnh gout nếu kéo dài.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Vận động mạnh sau khi uống bia – nguy cơ đột quỵ

Nhiều người có thói quen uống bia rồi chơi thể thao như đá bóng hoặc chạy bộ. Điều này vô tình khiến tim và hệ tuần hoàn phải hoạt động quá mức trong khi cơ thể đang bị ảnh hưởng bởi cồn. Kết quả có thể dẫn đến tụt huyết áp, loạn nhịp tim hoặc thậm chí là đột quỵ.

Tuyệt đối không uống bia khi đang dùng thuốc

Một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng sinh, thuốc an thần… khi kết hợp với bia có thể gây tương tác thuốc nguy hiểm, làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gây tác dụng phụ nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, tổn thương gan, sốc phản vệ.

Không nên uống bia quá lạnh

Dù mang lại cảm giác sảng khoái tức thời, bia quá lạnh có thể gây co thắt dạ dày và các mạch máu, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và đường hô hấp. Việc uống bia lạnh thường xuyên cũng dễ gây đau họng, viêm amidan hoặc đau bụng kéo dài.

Uống quá nhiều bia - suy giảm nhận thức và chức năng gan

Việc tiếp tục uống dù đã có dấu hiệu say sẽ khiến gan phải làm việc quá tải, tăng nguy cơ tổn thương gan, xơ gan và viêm gan do rượu. Đồng thời, cồn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, làm giảm khả năng kiểm soát hành vi, tăng nguy cơ tai nạn và các hành vi nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Uống bia không có tác dụng giải khát

Người ta thường uống bia để giải khát và hạ nhiệt. Tuy nhiên, bia thực sự khiến mọi người cảm thấy khát hơn và đổ mồ hôi nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, mọi người có thể cảm thấy mát hơn sau khi uống bia, nhưng sau khi bia ngấm vào cơ thể, nó thực sự sẽ kích thích tiết adrenalin, làm tim đập nhanh hơn, giãn nở mạch máu và tăng nhiệt lượng thoát ra khỏi cơ thể thông qua quá trình bốc hơi nước. khiến bạn trở nên khát nước hơn. Do đó, sau khi uống bia, mọi người nên uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc trà nhạt để giữ nước.

Ai không nên uống bia?

Mặc dù uống bia ở mức độ vừa phải có thể an toàn với nhiều người nhưng có một số đối tượng tuyệt đối không nên uống bia:

- Phụ nữ mang thai: Uống bia có thể gây hại cho thai nhi, dẫn đến dị tật bẩm sinh hoặc rối loạn phát triển. Không có lượng bia nào được xem là an toàn trong thai kỳ.

- Người mắc bệnh gan: Bia gây thêm áp lực lên gan, đặc biệt nguy hiểm với người bị viêm gan hoặc xơ gan.

- Người đang dùng thuốc: Một số loại thuốc (giảm đau, chống trầm cảm, kháng sinh…) có thể phản ứng nguy hiểm khi kết hợp với bia.

- Người từng nghiện rượu: Sử dụng lại đồ uống có cồn dù chỉ một chút có thể gây tái nghiện.

- Trẻ vị thành niên: Bia ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não và khả năng kiểm soát hành vi.

Giang Thu (Tổng hợp)