Y học và đời sống

Lưu ý khi sử dụng bột sắn dây

  • Tác giả : Thu Hương (T/H)

Bột sắn dây là nguyên liệu quen thuộc với nhiều gia đình Việt bởi nó có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên loại bột này nếu kết hợp sai cách sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Bột sắn dây không nên kết hợp với nguyên liệu nào?

Mật ong

Khi kết hợp bột sắn dây chung với mật ong có thể gây ra một số phản ứng cho cơ thể nếu cơ địa không hợp như đầy hơi, đau bụng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thông tin cho rằng mật ong là sản phẩm kỵ với bột sắn dây, sử dụng chung mật ong và bột sắn dây sẽ gây đột tử.

Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ tài liệu nào chứng minh điều này là sự thật. Vì vậy, chúng ta nên hạn chế kết hợp hai loại thực phẩm này với nhau để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn.

Hoa sen, hoa bưởi, hoa nhài

Hiện nay, rất nhiều người vẫn cho rằng, ướp chung hoa bưởi, hoa sen, hoa nhài với bột sắn dây sẽ đem đến mùi thơm và tăng hương vị khi sử dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo đây là một thói quen sai lầm vì nó sẽ làm giảm dược tính phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh của bột sắn dây.

Ngoài ra, ướp hoa bưởi với bột sắn dây khiến bạn không cảm nhận được hết hương vị và mùi thơm tự nhiên của nó. Thậm chí, sự kết hợp này có thể dẫn đến các tình trạng không mong muốn như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng,...

Nước nguội

Thói quen pha bột sắn dây sống với nước nguội đã được các chuyên gia y tế khẳng định không tốt cho sức khỏe. Sắn dây thường chế biến thủ công, chưa được loại bỏ hết tạp chất, dễ nhiễm khuẩn. Vì vậy, pha sắn dây với nước nguội có nguy cơ bị đau bụng, tiêu chảy.

Pha với nhiều đường

Đường là thành phần không thể thiếu trong danh sách sắn dây kỵ với những gì. Theo Đông y, bột sắn dây có vị ngọt, mang tính hàn. Thực phẩm này cực kỳ hữu dụng trong việc giải rượu, hỗ trợ giảm đau, hạ sốt. Ngoài công dụng chữa bệnh, sắn dây còn là một loại thức uống vừa giải khát vừa làm đẹp hiệu quả.

Tuy nhiên, khi sử dụng bột sắn dây, bạn không nên bỏ quá nhiều đường. Lý do là vì trong thành phần sắn dây vốn dĩ đã có vị ngọt. Nếu pha thêm đường sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, người ăn dễ mắc phải những căn bệnh về tim mạch, thừa cân, béo phì.

Những ai không nên dùng bột sắn dây?

Trẻ em

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, đối với trẻ em, bột sắn dây là dạng tinh bột lọc ra từ cây sắn dây và ở dạng “sống”, có tính hàn rất mạnh. Các bộ phận của trẻ em nhìn chung còn yếu ớt nên nếu dùng sống sẽ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn sẽ làm cho tính hàn giảm bớt, đồng thời vừa dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn.

Phụ nữ mang thai

Đối với phụ nữ trong thai kỳ, nếu cơ thể bạn đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt, nhưng nếu bạn thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì bạn không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể bạn làm bạn mệt mỏi.

Trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, mà do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.

Người dương khí hư

Những người dương khí hư với các biểu hiện như đại tiện lỏng, chướng bụng, lạnh bụng, lạnh chân tay, nhạt miệng, sắc mặt vàng... không nên dùng bột sắn dây.

Thu Hương (T/H)