Giáo dục

Luân chuyển giáo viên vùng cao: Phải lắng nghe nguyện vọng các thầy cô

  • Tác giả : Nguyễn Mai
(khoahocdoisong.vn) - Theo đại biểu Quàng Văn Hương, Sơn La, để tránh những câu chuyện thương tâm như cô giáo Khoàng Hà Pơ cần có sự tổng kết chính sách xem vướng mắc ở đâu. Và trong việc luân chuyển giáo viên, điều đầu tiên là phải lắng nghe nguyện vọng các thầy cô.

Giáo viên vùng cao muốn trở về, gặp nhiều khó khăn

Câu chuyện xúc động của cô giáo cắm bản Khoàng Hà Pơ mới đây đã khiến nhiều người rơi nước mắt về sự nhọc nhằn, hy sinh của cô.

Câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ đã gây xúc động với nhiều người.

Câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ đã gây xúc động với nhiều người.

Nhưng thực tế, những câu chuyện như của cô giáo Pơ không phải là hiếm. Trong số đó, không ít liên quan tới những vướng mắc trong việc điều động, luân chuyển giáo viên.

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Phìn, Đồng Văn, Hà Giang chia sẻ với PV KH&ĐS, theo đúng chính sách, sau thời gian nhất định công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên có thể xin chuyển về vùng thuận lợi hoặc về quê.

Nhưng thuận lợi hay không phụ thuộc vào nơi tiếp nhận. Nếu nơi tiếp nhận đã đủ biên chế, hoặc không nhận, thì cũng chịu.

Cụ thể, trong địa bàn của huyện, đối với giáo viên đã đạt đủ thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, muốn chuyển ra vùng thuận lợi, thì huyện có thể giải quyết được. Tuy nhiên, nếu chuyển từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác thì lại không thuộc thẩm quyền của huyện nữa, nên huyện không thể làm được.

Theo đúng trình tự, nếu muốn chuyển sang huyện, tỉnh khác, giáo viên sẽ nộp hồ sơ theo nguyện vọng biểu mẫu 02 của Bộ Nội vụ trình lên phòng GD. Phòng GD sẽ trình lên tham mưu UBND huyện, sau đó sẽ ra văn bản để giáo viên liên hệ xin việc tới nơi mình muốn chuyển tới.

Sau đó, nếu nơi mà giáo viên muốn chuyển tới nơi tiếp nhận, thì trường sẽ có văn bản thuyên chuyển công tác cho giáo viên đó. Nhưng thực sự, đây là một điều rất khó khăn.

Đại biểu Quàng Văn Hương.

Đại biểu Quàng Văn Hương.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV KH&ĐS, đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) cho biết, đối với giáo viên ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút giáo viên.

Tuy nhiên, đãi ngộ đó cũng chưa thỏa đáng, cũng chưa bù đắp được những khó khăn về vật chất cũng như thiếu hụt về đời sống tinh thần của các thầy cô.

Đặc biệt, là việc luân chuyển giáo viên chưa thực hiên được một cách căn cơ, bài bản. Các thầy cô khi lên công tác thì có cam kết việc đó, nhưng khi họ thực hiện xong nhiệm vụ, muốn chuyển sang vùng thuận lợi thì lại không cân đối được.

Nhất là trong điều kiện hiện nay chúng ta đang sắp xếp lại, tinh giản bộ máy và giảm biên chế, việc sắp xếp lại càng khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Hương, còn một khó khăn nữa xuất phát từ chính năng lực của các thầy cô.

Khi ở vùng sâu vùng xa, khi họ đã quen với môi trường học sinh bó hẹp. Thứ hai là yêu cầu về chuyên môn đối với học sinh miền núi cũng không cao lắm. Vì mặt bằng kiến thức học sinh vùng đặc biệt khó khăn khác vùng thuận lợi.

Khi muốn chuyển ra vùng thuận lợi thì đây là một cản trở, khi nhiều nơi đòi hỏi rất cao về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều thầy cô không đáp ứng được. Chưa kể, còn những vướng mắc về điều kiện cơ sở vật chất, ổn định gia đình.

Phải có tổng kết chính sách

Để khắc phục được những tồn tại đó, theo đại biểu tỉnh Sơn La, thứ nhất, cần phải rà soát lại, đối với các thầy cô giáo đã làm việc lâu năm và đã có sự quy định về sự luân chuyển để có kế hoạch.

Một mặt tạo những điều kiện nhằm khuyến khích các thầy cô ở lâu dài để phục vụ, gắn bó với đồng bào. Nhưng mặt khác, nếu các thầy cô có nguyện vọng thì phải sắp xếp để họ luân chuyển, và phải báo cho họ biết vị trí luân chuyển để họ xem xét được vị trí ấy mình có đáp ứng được hay không.

Ví dụ, sau thời gian công tác 7 - 10 năm nơi miền núi, nếu trường luân chuyển tới có yêu cầu cao về chuyên môn, thì cũng không thể để các thầy cô ra không đáp ứng được nhu cầu của họ. Trong khi, bố trí ở vùng xa quá thì lại không đáp ứng được yêu cầu của các thầy cô.

Theo ông Hương, trước hết là phải lắng nghe nguyện vọng của các thầy cô. Và sau đó, có phương án bố trí. Cần ưu tiên cho các thầy các cô đã có thâm niên công tác lâu nhất. Đặc biệt, là đối với những trường hợp không lập được gia đình.

Đối với tất cả những phản ánh về vướng mắc trong việc luân chuyển, thì cần phải tổng kết chính sách. Vì chính sách đưa ra nhưng lại không thực hiện được thì phải xem có nên đưa ra chính sách đó không.

Ví dụ, như luật viên chức sửa đổi hiện nay đang có yêu cầu cam kết thực hiện sau hai lần hợp đồng thì sẽ có ưu tiên xét tuyển. Nhưng các đại biểu cũng thảo luận, nếu sau thời gian thực hiện xong, sự luân chuyển thế nào thì lại chưa rõ.

Ông Hương cũng mong muốn, trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có được riêng chính sách về phát triển giáo dục. Ví dụ, có quy định cụ thể, sau một thời gian công tác nhất định, các thầy cô biết được mình sẽ được chuyển ra một trường cụ thể nào đó.

Như vậy, họ vừa yên tâm công tác. Vừa có định hướng để trau dồi chuyên môn, trình độ năng lực của mình cho phù hợp. Hoặc nếu có định xây dựng gia đình thì cũng có những lựa chọn phù hợp. Bởi trong trường hợp chuyển đi, thì sẽ không có vướng vướng mắc.

Trong trường hợp cô giáo Khoàng Hà Pơ, tôi cho rằng, đối với những vấn đề cũ, mang tính lịch sử, ta nên rà soát lại. Từ đó, các địa phương cùng chung tay vào xem có thể tháo gỡ được gì, có thể giải quyết được gì thì phải thực hiện ngay cho các thầy cô.

Việc để xảy ra như vậy, theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường, bởi trường có công đoàn, các tổ chức… Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp đó. Nếu có sự quan tâm hơn, động viên kịp thời thì theo tôi đã không để xảy ra sự việc đáng suy nghĩ như vậy.

Nguyễn Mai