“Tửu” đứng đầu trong bộ hán ngữ đại từ điển
Ai cũng biết về rượu và rượu không chỉ được uống mỗi khi Tết đến Xuân về mà là quanh năm ngày tháng, không nhiều thì ít. Từ cổ chí kim có những nhà thơ, nhà văn nhiều khi nhâm nhi chén rượu để tạo hứng cho những vần thơ tâm đắc, bất hủ, những áng văn hay và sống động của mình.
Chẳng thế mà sách xưa có câu “ẩm trung bát tiên”. Tức là đời nhà Đường xa xưa có 8 vị uống rượu rất giỏi nên được gọi là tiên. Trong đó có nhà thơ Lý Bạch được gọi là “tửu tiên ông”- ông tiên giỏi uống rượu. Phải chăng có câu “Bầu rượu túi thơ” là thế.
Ở nước ta từ lâu, chữ Tửu đã được dùng là từ Việt gốc Hán và nghĩa của chữ Tửu là rượu. Chữ Tửu được tạo thành bởi ba chấm thủy với chữ Dậu. Cho nên sách đã ghi tam Dậu là tiếng nói lóng của chữ Tửu.
Rượu còn có tên nói lóng nữa là “Tứ ngũ tử”. Người ta cộng chữ Tứ với chữ Ngũ bằng chữ Cửu (4+5=9). Về âm hán chữ Cửu gần đồng âm với chữ Tửu. Nhưng nếu đọc tiếng Bắc Kinh thì chữ Cửu và Tửu lại cùng một âm là Jiủ (chiểu).
Chữ Tửu cũng còn nhiều tên khác nữa nhưng vẫn có nghĩa là rượu nhưng chữ Xuân, Hoàng Lưu, Bôi trung vật, Ngọc dịch, Nguyễn Phong, Thuần tửu, Bạch tửu, thanh tửu, vô hối tửu, hoàng tửu…
Trong Bộ hán ngữ đại từ điển, người ta đã ghi chép được 382 từ có chữ Tửu (rượu) đứng đầu các danh từ, thuật ngữ, thành ngữ nói tới sự liên quan giữa rượu với con người và xã hội, nói điều hay lẽ phải, răn bảo người đời không nên lạm dụng uống rượu quá nhiều, gây tác hại cho chính bản thân và người khác.
Trong sách Trung y đại từ điển, người ta cũng ghi chép được gần 50 chứng bệnh có chữ Tửu (Rượu) đứng đầu do uống quá nhiều rượu gây ra…
Luận bàn về tửu và cách dùng rượu thuốc giúp người già trường thọ |
Rượu bổ phải đúng cơ chế bệnh
Rượu có quan hệ mật thiết với y học cổ truyền. Tính của rượu: đại nhiệt, vị đắng ngọt, cay, có tác dụng thông lợi huyết mạch, phòng chống phong hàn thấp, chân tay đau nhức. Trong các pho sách của y học cổ truyền, từ xưa đến nay hầu hết đều có những bài thuốc bổ dưỡng và chữa bệnh cho những người cơ thể bị suy nhược, đồng thời nâng cao sức khỏe của người cao tuổi.
Muốn kháng lão suy (chống lại sự suy yếu của người già) phải vận dụng linh hoạt các bài thuốc bổ để phù hợp. Bởi bệnh của người già là tích lại từ khi còn trẻ cho nên, nói về chữa bệnh, chữ “bổ” ở đây có nghĩa là bù đắp sự hao tổn, suy yếu về khí huyết, âm dương trong cơ thể người ta do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có hàng ngàn bài thuốc bổ chữa bệnh suy nhược người già trong đó có những chén rượu bổ đích thực mà những người cao tuổi cũng như những người cơ thể suy nhược thường dùng vào mùa xuân hay 4 mùa trong năm, để mong dồi dào sức khỏe, ăn ngon cơm, ngủ ngon giấc. Đó cũng là một trong những phương pháp dưỡng sinh của người cao tuổi.
Trong mấy năm gần đây, có nhiều người thường cầm đơn chép tay hoặc in phô tô đến hiệu thuốc để mua thuốc về ngâm rượu bồi bổ. Có người nói đó là bài thuốc “Nhất dạ ngũ giao” của Vua Minh Mệnh truyền lại…
Xin không bàn về nội dung và xuất xứ bài thuốc. Đương nhiên bài thuốc nào cũng có tác dụng nhất định trong bổ dưỡng và điều trị bệnh, không dám nói là thần hiệu nhưng phải đúng với cơ chế của bệnh thì có lợi, nếu không tác dụng sẽ ngược lại. Còn cơ chế của bệnh là do thầy thuốc khám và kết luận.
Có người đi ngâm một thang thuốc bổ ngâm rượu, người ta đã cho vào thang thuốc đó không ít quế tâm và những vị tân nhiệt khác mà không phải khám bệnh, chỉ theo sở thích cá nhân, uống để cho “bốc”. Với thang thuốc này, nếu người thuộc thận dương hư, kiêm hàn thấp thì còn khả dĩ, nhưng lại thuộc thận âm hư, chân âm khuy tổn, uống vào quả là tai hại.
Bởi lẽ, rượu trắng thuốc đồ cay nóng, men rượu phải dùng những vị thuốc cay nóng mới làm ra được, như đinh hương, hồi hương, quế thông, tế tân…Rượu đã nóng, thuốc lại bốc hỏa, nhiệt ngộ nhiệt, dương sự càng “bốc” và thận tinh ngày càng khô kiệt, người bệnh sẽ suy sụp lúc nào không biết, nguyên nhân tại đâu cũng chẳng hay.
Ngoài ra, có người đã ngâm nhiều con tắc kè hoặc những vị kích dương khác vào bình rượu thuốc bổ của mình, hoặc ngâm riêng tắc kè để uống. Tuy là rượu bổ thật, song người nào thuộc thận âm hư, chân âm khô táo ho suyễn phong hàn hoặc thực nhiệt uống rượu này chắc sẽ không có lợi.
Hơn nữa, không kể những ai rượu ngon quá chén, túy bão nhập phòng, có khi còn bị “mã thượng phong” là đằng khác. Thật tai hại khôn lường.
TTND. Lương y giỏi Trần Văn Quảng |
Thang rượu bổ khí huyết, cường gân cốt
Đây là thang thuốc bổ ngâm rượu đã dùng cho người có kết quả tốt: đương quy thân (đầu), 50g, thục địa (chưng kỹ) 60g, bạch thược 30g, phòng đảng 60g, sa sâm 50g, sâm cao ly hoặc sâm cát lâm 50g, bạch linh 50g, cam thảo 20g, đỗ trọng bắc 60g, tục đoạn 50g, mộc qua 30g, cẩu tích 50g, trích kỳ 50g, ngưu tất 20g, ba kích 30g, kỷ tử 60g, đại táp 50g, long nhãn 50g, hoài sơn 50g, liên nhục 50g, nhục thung dung 30g, độc hoạt 10g, tang ký sinh (chích tầm gửi cây dâu) 50g.
Thang thuốc này ngâm với rượu gạo ngon chừng 15 – 20 ngày. Sau đó cho thêm từ 200 – 300g mật ong hoặc kẹo mạch nha nấu bằng thóc nếp vào bình rượu, quấy nhẹ cho đều rồi cất đi, 15 – 20 ngày sau là uống được. Thời gian ngâm rượu càng lâu càng tốt. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 1 chén trà vào bữa tối hoặc trước khi đi ngủ.
Kiêng kỵ: người vốn bị cao huyết áp không nên uống rượu kể lả loại rượu bổ này, người bị bệnh ngoài da lở ghẻ ung nhọt, đang cảm sốt không được uống.
Ngoài ra, có thể căn cứ vào triệu chứng cụ thể của người bệnh để gia giảm. Chẳng hạn: Nếu là tỳ hư, đại tiện hay đi lỏng giảm Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Nhục thung dung, ngưu tất, gia thêm: bạch truật 30g, trần bì 30g, sa nhân 20g, phá cổ chỉ (sao muối) 50g, khiếm thực 50g, mạch nha sao 50g. Nếu là can thận âm hư, đại tiện táo bón, kém ngủ thì gia thêm 50g sinh địa, 30g mạch môn, 50g tảo nhân (sao), 30g Sơn thù, 30g đơn bì.
TTND. Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông Y Việt Nam)