Trong vài năm trở lại đây, gà ủ muối bỗng trở thành một trong những món ăn “hot trend”, xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội và được bày bán tràn lan ở chợ, siêu thị, thậm chí trên các sạp online không tên tuổi. Với vẻ ngoài bắt mắt, hương vị đậm đà và giá thành khá “mềm”, món ăn này nhanh chóng trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình, đặc biệt là vào các dịp tụ họp hoặc lễ Tết. Tuy nhiên, ẩn sau lớp da vàng óng và bao bì hút chân không kia là nhiều hiểm họa khôn lường về sức khỏe người tiêu dùng mà không phải ai cũng nhận ra.
![]() |
Hình minh hoạ/ Nguồn Internet |
Món ngon thời thượng, giá cả phải chăng
Gà ủ muối thường được quảng cáo là món ăn truyền thống được chế biến theo công thức gia truyền, giữ nguyên vị thơm ngon của gà ta thả vườn kết hợp cùng các loại gia vị như sả, lá chanh, ớt, tiêu… Mỗi con gà được tẩm ướp, hấp chín rồi đóng gói chân không, giúp bảo quản lâu và tiện lợi khi sử dụng. Người dùng chỉ cần hâm nóng hoặc ăn ngay đều được.
Giá của mỗi con gà dao động từ 120.000 đến 200.000 đồng, tùy theo kích cỡ và nơi bán. Mức giá được cho là “dễ chịu” so với các món ăn chế biến sẵn khác. Nhờ ưu điểm nhanh, gọn, dễ bảo quản, gà ủ muối được nhiều người mua về tích trữ trong tủ lạnh hoặc biếu tặng. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi này lại đang khiến người tiêu dùng chủ quan trước những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Nguy cơ từ gà không rõ nguồn gốc
Phần lớn gà ủ muối trên thị trường hiện nay được sản xuất theo hình thức thủ công tại các cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy phép hoạt động rõ ràng. Các sản phẩm này thường không ghi nhãn mác cụ thể, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, thậm chí không ghi tên nơi sản xuất. Nhiều trường hợp chỉ là “gà chợ” được người bán chế biến tại nhà, rồi đóng túi và giao hàng cho khách mà không qua bất kỳ quy trình kiểm định chất lượng nào.
Nguy hiểm hơn nếu cơ sở sản xuất sử dụng gà đông lạnh giá rẻ, thậm chí là gà đã qua cấp đông lâu ngày, gần hết hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng, sau đó “hô biến” thành gà ủ muối bằng cách tẩm gia vị. Một số loại phụ gia không rõ nguồn gốc cũng được thêm vào để đánh lừa cảm quan của người ăn. Việc sử dụng gà không đảm bảo chất lượng kết hợp với quy trình chế biến sơ sài, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn có thể dẫn đến việc sản phẩm bị nhiễm khuẩn Salmonella hoặc Listeria. Đây là những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ nhỏ và người có sức đề kháng kém.
Hậu quả từ bảo quản và vận chuyển sai cách
Không ít người mua hàng qua mạng đã phản ánh việc nhận được gà ủ muối trong tình trạng bị rỉ nước, có mùi lạ, màu thịt xỉn hoặc thậm chí đã bị mốc, dù chỉ mới mua vài ngày. Đây là hệ quả của việc sản phẩm không được bảo quản đúng cách sau khi chế biến. Thực phẩm hút chân không nếu không được giữ lạnh liên tục hoặc bị vận chuyển trong môi trường nhiệt độ cao sẽ nhanh chóng xuống cấp.
Ngoài ra, nhiều người bán còn sử dụng chất bảo quản không rõ loại để giữ thịt không bị hư hỏng trong thời gian dài, mà không công khai thông tin này cho người tiêu dùng. Nếu sử dụng thường xuyên thực phẩm chứa chất bảo quản vượt mức cho phép, người tiêu dùng có thể đối mặt với các nguy cơ lâu dài như tổn thương gan, suy thận, ảnh hưởng thần kinh và tăng nguy cơ ung thư.
Hiện nay, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bán hàng online còn gặp nhiều khó khăn do tính chất phân tán và không đăng ký kinh doanh hợp pháp. Người bán có thể ẩn danh, thay đổi tài khoản dễ dàng sau mỗi vụ việc bị phản ánh, khiến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là gần như không thể.
Làm sao để ăn ngon mà vẫn an toàn?
Chọn mua ở nơi uy tín: Ưu tiên các cửa hàng, thương hiệu có đăng ký chất lượng, có bao bì, tem mác đầy đủ, rõ ràng nguồn gốc.
Không ham rẻ: Giá quá thấp so với mặt bằng chung có thể là dấu hiệu của nguyên liệu kém chất lượng.
Kiểm tra kỹ sản phẩm: Không nên sử dụng nếu sản phẩm có mùi lạ, màu sắc bất thường, hoặc có dấu hiệu hư hỏng, rỉ nước, mốc.
Bảo quản đúng cách: Nếu mua về chưa dùng ngay, cần bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 4 độ C trong ngăn mát, hoặc cấp đông nếu để lâu hơn.
Hạn chế sử dụng thường xuyên: Dù tiện lợi, nhưng gà ủ muối vẫn là thực phẩm chế biến sẵn. Tốt nhất chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải, kết hợp với các món ăn tự nấu tại nhà.
Ngày 21/4, Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất một kho lạnh tại khu vực gần chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội. Lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm.
Số thực phẩm bẩn này thuộc sở hữu của một phụ nữ sinh năm 1992, trú tại huyện Thường Tín. Người này khai nhận, số thực phẩm đông lạnh được thu mua trôi nổi trên thị trường, không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn mác hàng hóa, được đóng gói sơ sài và cất giấu sâu bên trong kho lạnh.