Khoa học & Công nghệ

Loại lectin hại sức khoẻ trong ngũ cốc

Một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra lectin trong một số loại rau và ngũ cốc có thể gây hại đến sức khoẻ con người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người dân đừng quá lo lắng trước thông tin này mà tránh dùng sẽ khiến cơ thể thiếu chất.

Lectin có thể xâm nhập vào khớp, thần kinh!

TS Stephen Gundry, bác sĩ phẫu thuật tim mạch Hoa Kỳ vừa thông tin về một số lectin trong vài loại cây trồng có khả năng làm tê liệt các loài sâu bọ nên ảnh hưởng con người ăn vào cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, do cơ thể con người có nhiều tế bào hơn côn trùng nên chỉ sau vài năm tiêu thụ, các lectin có thể gây tổn hại đến sức khoẻ và gây ra một số bệnh như dị ứng, hay quên, mệt mỏi, kích ứng ruột, thậm chí là viêm khớp dạng thấp.

“Lectin xâm nhập vào các khớp, các nút thần kinh, lớp niêm mạc mạch máu và não, gây viêm và các bệnh tự miễn dịch. Hiện nay, tôi tin rằng tất cả các bệnh viêm khớp, bệnh động mạch vành, mụn trứng cá, chàm bội nhiễm và các bệnh tự miễn đều do các lectin gây ra”, TS Stephen Gundry cho biết.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/lectin-hai-co-the-thay-t1111111111-300x187.jpg

Tùy vào từng loại rau, ngũ cốc nếu đã được khuyến cáo có chất lectin thì nên dùng nhiệt để loại bỏ chất này.

Vì thế, ông cho rằng, đây là mối nguy hiểm số một trong các chế độ ăn kiêng và ăn chay. Do lectin tập trung nhiều trong các loại hạt như đậu, đậu tương, hạt điều, đậu phộng hay thậm chí cả trong hạt cà chua, dưa chuột và ớt đỏ.

Theo TS Nguyễn Đức Tiến, Phòng Nghiên cứu, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, người đã từng nghiên cứu về lectin cho hay, đây là một loại protein có trong thực vật và đã được nghiên cứu từ rất lâu (những năm 1880).

Tùy vào các loại lectin đặc hiệu (tức lectin đặc thù) khác nhau nên một số cây trồng có thể giúp xua đuổi, diệt côn trùng ở mức độ riêng. Hay nói cách khác, không phải loại lectin nào cũng độc hại với côn trùng.

“Khi côn trùng ăn phải cây có lectin đặc hiệu, chất này sẽ xâm nhập vào đường ruột côn trùng và tạo nên chất kháng để phá vỡ tế bào của chúng. Do đó, các cây đó có thể diệt côn trùng hoặc khiến côn trùng sợ không dám đến gần”, vị chuyên gia cho hay.

“Thậm chí, lectin đã được nghiên cứu và ứng dụng với nhiều hữu ích trong y học. Ví dụ như lectin được chiết xuất và bào chế để tái tạo tế bào, kháng lại các tế bào lạ, phát hiện bệnh HIV, nhận biết nhóm máu…”.

TS Nguyễn Đức Tiến

Dùng nhiệt loại trừ lectin đặc thù

TS Nguyễn Đức Tiến cũng phân tích thêm, nói lectin có thể kháng côn trùng nhưng không có nghĩa con người cũng bị ảnh hưởng tương tự. Mà tùy vào một số loại lectin chủ yếu có trong họ đậu mới có thể cần con người quan tâm khi chế biến. Bởi con người là động vật máu nóng, cấu trúc đường ruột hoàn toàn khác côn trùng.

Còn GS.TS Trần Đình Long, Hội Giống cây trồng cho hay, đúng là trong một số cây có chất lectin hay protein đặc thù như ở một số loại đậu, đỗ… Nếu chúng ta chế biến sai cách có thể ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ khi ăn.

Đơn cử là đậu tương nếu không nấu kỹ hoặc cho đường đỏ sẽ gây đầy bụng hoặc buồn nôn. Đây là do trong đậu tương có lectin đặc thù khác với các loại đậu khác.

Vì thế, các chuyên gia khuyên, tùy vào từng loại rau, ngũ cốc nếu đã được khuyến cáo có chất lectin thì nên dùng nhiệt để loại bỏ chất này. Tốt nhất là nên dùng các loại đậu, đỗ đã được chế biến thì độ an toàn hơn.

Hiền Dung