Y học và đời sống

Bổ sung Crôm tránh tiểu đường, tim mạch

Thiếu Crôm (Cr) có thể dẫn tới các bệnh tim mạch, tiểu đường. Chọn thực phẩm có Cr để bổ sung hằng ngày sẽ làm bệnh tiểu đường thuyên giảm và hạ được cholesterol máu

Trợ thủ đắc lực của insulin kiểm soát đường máu

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm,Bộ Y tế cho biết, chúng ta ít chú ý tới Cr với sức khoẻ và gần như không chú trọng bổ sung nó trong bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, nó rất quan trọng với cơ thể. Cr cần cho sự tổng hợp và chuyển hoá các chất đường (gluxit) và chất béo (lipit) trong cơ thể, có tác dụng như một trợ thủ đắc lực của insulin – chất hormon kiểm soát lượng đường trong máu.

Bởi vậy, thiếu Cr cơ thể có thể dẫn tới các bệnh về tim mạch và bệnh tiểu đường. Ngược lại, bệnh tiểu đường cũng có ảnh hưởng làm giảm sút lượng Cr vì bị thải ra ngoài theo nước tiểu. Việc dùng thuốc có Cr hoặc ăn chất men bia có chứa hợp chất Cr sẽ làm bệnh tiểu đường thuyên giảm, đồng thời hạ được cả lượng cholesterol trong máu.

Bệnh béo phì thường liên quan tới chứng xơ cứng động mạch vành và chứng nhồi máu cơ tim. Tác dụng Cr liên kết với sự chuyển hoá lipid, bổ sung Cr làm gia tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL) làm giảm cac glycerid và từ đó góp phần ngăn ngừa sự tích tụ mỡ bên trong các mạch máu.

Vì vậy, việc dùng Cr có tác dụng làm giảm cân nhẹ, tránh được một số bệnh về tim mạch: xơ vữa động mạch, cao huyết áp, loạn nhịp tim và những phản ứng phụ của thuốc ngừa thai.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/thuc-pham-cr-405x228.jpg

Những loại rau củ có chứa Cr.

Thiếu hụt cần bổ sung bằng thực phẩm

GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, hằng ngày lượng Cr đưa vào vẫn ít hơn 20% so với nhu cầu thực tế của cơ thể. Lượng Cr đưa vào không đủ cộng với quá trình lão hóa, béo phì, chế độ ăn thiếu protein, mang thai, phẫu thuật, uống nhiều rượu bia, bệnh tật, nhiễm virus… lại càng làm cơ thể thiếu hụt Cr quá mức.

Tuổi càng cao thì lượng Cr dự trữ trong cơ thể càng giảm. Ở tuổi 70 lượng Cr trong cơ thể chỉ còn một nửa so với tuổi thanh niên, do đó nhu cầu bổ sung Cr hằng ngày là rất quan trọng.

Theo nghiên cứu, cơ thể người cần 50 – 200mcg Cr mỗi ngày. Ở phụ nữ có thai thường bị thiếu hụt Cr do thai nhi cần rất nhiều Cr. Một điều đáng chú ý là dùng nhiều đường trắng, ăn nhiều tinh bột trắng, bị chấn thương nặng… cũng dẫn đến giảm Cr. Chất carbonat canxi và các chất axide trong dịch vị cũng gây cản trở việc hấp thụ Cr.

PGS.TS Trần Đáng cho biết, Cr được đưa vào cơ thể qua thực phẩm, hô hấp, da. Cơ thể người có từ 1 – 5mg Cr, được phân phối đều khắp ở các tế bào. Cr có nhiều trong men rượu bia, mật mía nhưng 90% đã bị mất đi trong quá trình sản xuất bia và nấu đường.

Ngoài ra, Cr có nhiều trong (tính trong 100g/µg): Trai 129, quả hạch Brazil 100, sò 57, tôm he nâu 26, bột mỳ cám 21, cà chua 20, nấm 17, súp lơ xanh 16, thịt bò 3, lòng đỏ trứng 6, cá trích 2… Khi ăn, Cr hấp thu ở ruột non với tỷ lệ 0,4 – 3%. Khi tuổi cao, sự hấp thu giảm dần. Chế độ ăn uống và một số chất cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu Cr, có chất làm hạn chế (chất phytat), có chất làm tăng (histidin, axit glutamic…).

Mỗi ngày cơ thể chỉ cần khoảng 4µg lấy từ thức ăn. Vận động viên thể thao, người ăn nhiều chất ngọt, người bị tiểu đường có nhu cầu Cr cao hơn những người khác. Tính độc của chất Cr sinh học trong thức ăn không đáng kể nên hiện tượng gia tăng nồng độ Cr trong máu ở những người có bệnh tiểu đường không có gì đáng lo. Cr điều chế từ quặng mỏ kim loại thì có độc tính cao hơn.

Sự nhiễm độc do bụi Cr và các muối crômát có thể gây tổn thương nặng ở phổi và đường hô hấp. Các dung dịch crômát, bicrômát và axit crômic có thể gây dị ứng hoặc loét da, mắt và màng nhầy ở mũi, thường gặp ở những người làm việc tại nơi có hóa chất.

Nhật Hà