Doanh nghiệp

Lạng Sơn đẩy mạnh các chính sách, giải pháp tạo tiền đề phát triển du lịch

  • Tác giả : Thùy Linh
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn có nhiều thuận lợi với nguồn tài nguyên du lịch nhân văn tài nguyên du lich tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa của vùng đất. Phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm hàng đầu và UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương chính sách để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
dia-the-chi-lang-anh.jpg

Điều kiện tự nhiên tạo nên thế mạnh về du lịch

Với thế mạnh là tỉnh miền núi phía Bắc có thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đa dạng đặc sắc. Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Lạng Sơn được biết đến với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có những di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu, thống nhất. Đồng thời với những sản vật xứ Lạng phong phú độc đáo như đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng, thạch đen Tràng Định… nhiều sản phẩm được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam.

Tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa là nhân tố hết sức quan trọng để phát triển du lịch Lạng Sơn mà không địa phương nào cũng có. Với những giá trị của hệ thống di tích đem lại như chùa Tam Thanh, đền Kỳ Cùng, động chùa Nhị Thanh,Tam Thanh… Tỉnh đã và đang phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên đó phục vụ phát triển du lịch. Mỗi một di tích, một danh thắng, hay một câu hát then… chính là nguồn tài sản vô giá và là nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời là tỉnh có hai đường biên giới giáp với Quảng Tây – Trung Quốc, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, 9 cửa khẩu phụ và các cặp chợ biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của cả nước. Đẩy mạnh kinh tế du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

Những năm qua, du lịch đã góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội địa phương, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đồng thời qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế. Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lạng Sơn đã xác định rõ và đề ra giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tốt quy hoạch đầu tư phát triển, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường cũng như đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.

anh-lang-son.jpg
Du lịch sinh thái cộng đồng thị trấn Chi Lăng

Giải pháp về cơ chế, chính sách tạo tiền đề phát triển du lịch

Trước những lợi thế về du lịch. Tỉnh Lạng Sơn đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong chương trình phát triển du lịch: Là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch. Một trong những nỗ lực mà ngành du lịch đang triển khai là đa dạng hóa từng bước các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Lạng Sơn. Để đạt được phát triển thành công hơn nữa các sản phẩm du lịch đặc thù. Tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước, chính sách phục vụ chiến lược xây dựng từng sản phẩm du lịch cụ thể; Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù.

Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh sản phẩm du lịch theo định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà đầu tư chiến lược của tỉnh. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa ngành du lịch và các ngành liên quan, tạo cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý phát triển du lịch từ cấp tỉnh tới cấp huyện, ban quản lý khu/điểm du lịch; tạo cơ chế liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa tỉnh và các điểm đến du lịch nổi bật trong vùng, quốc tế.

Các giải pháp để phát triển du lịch gồm: Giải pháp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Lạng Sơn. Du lịch văn hóa: Xác định văn hóa là điểm trọng tâm trong phát triển sản phẩm du lịch tại các điểm đến, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống vận chuyển khách du lịch. Tập trung đầu tư phát triển xây dựng các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch trọng điểm theo đúng mục tiêu đề ra.

Đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường tự nhiên. Đầu tư phát triển về nguồn nhân lực cho du lịch, hỗ trợ cho lao động du lịch chất lượng cao làm việc tại tỉnh.

Giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Tăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong thực hiện, tham gia các quy chuẩn ngành về chất lượng sản phẩm du lịch, thúc đẩy hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch: Xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa lễ hội, hội nghị, hội thảo. Thúc đẩy phát triển thị trường khách quốc tế, thị trường khách nước ngoài sống tại Việt Nam: Xây dựng kế hoạch xúc tiến thu hút khách quốc tế theo từng giai đoạn và phù hợp. Đồng thời, coi trọng thị trường khách du lịch nội địa và có những chính sách kích cầu với thị trường nội địa.

Lạng Sơn đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới và đưa vào khai thác có hiệu quả như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan; du lịch biên giới, du lịch cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn… Các loại hình du lịch đã được khai thác và chú trọng phát triển mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, xã hội, kinh tế gồm: Du lịch văn hóa tâm linh, Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch sinh thái cộng đồng, Du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh như na huyện Chi Lăng; hoa hồi huyện Văn Quan; quýt vàng huyện Bắc Sơn; hồng không hạt Bảo Lâm, huyện Cao Lộc; chè Đình Lập; cây thạch đen Tràng Định, sản phẩm nông nghiệp gắn với các làng nghề như: cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), cao khô chợ Bãi (Văn Quan), bánh khảo Tràng Định; các loại rau xanh đặc sản được trồng tại Tân Liên, Gia Cát (Cao Lộc); chanh rừng Mẫu Sơn (Lộc Bình).

Cơ sở hạ tầng cho phát triển dịch vụ du lịch ngày càng được chú trọng, đầu tư một cách đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Các cơ sở lưu trú ngày càng có sự quan tâm đầu tư xây dựng mới và thường xuyên nâng cấp như khách sạn Vinpearl, Mường Thanh; các công ty du lịch mới cũng được hình thành.

Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư tu bổ các di tích như: đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh, thành Nhà Mạc… Sự quan tâm của các ngành các cấp đối với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là nền tảng phát triển du lịch tỉnh nhà, ngày càng đáp ứng được nhu cầu tham quan của khách du lịch mỗi khi đến với Lạng Sơn.

Trước những thế mạnh về tiềm năng du lịch, trong những năm qua tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Du lịch của tỉnh xứng tầm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.

Thùy Linh