Doanh nghiệp

Khu công nghiệp Hữu Lũng: Tiền đề đẩy mạnh thu hút FDI của Lạng Sơn

  • Tác giả : Bùi Phú
(khoahocdoisong.vn) - Việc đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp (KCN) của Lạng Sơn được đánh giá đang xây dựng thêm một trụ cột để phát triển kinh tế cho tỉnh.

Đất lành thu hút FDI của tỉnh

Tháng 5/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất thông qua nghị quyết về Quy hoạch chung xây dựng KCN Hữu Lũng, quy mô gần 600ha, nằm trên địa giới hành chính của xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng (huyện Hữu Lũng).

Trước đó, tháng 1/2021, trên cơ sở xem xét đề nghị điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển KCN của UBND tỉnh Lạng Sơn và ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đã có quyết định đồng ý cho phép điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

Trong đó, Thủ tướng đã đồng ý giảm diện tích KCN Đồng Bành từ 321,76 ha xuống còn 162ha và ý bổ sung KCN Hữu Lũng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. 

Việc xây dựng KCN Hữu Lũng được xem là giải pháp linh hoạt, mang tầm nhìn chiến lược của tỉnh nhằm tạo nền tảng để thu hút đầu tư, đưa kinh tế Lạng Sơn sẵn sàng bứt phá, tăng trưởng mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đây cũng được xem là bước tạo đà, “dọn tổ” để Lạng Sơn thu hút thêm nhiều dự án FDI vào tỉnh.

Bởi hiện nay, cùng với dịch bệnh Covid-19 diễn ra là xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam được xem là điểm đến ấn tượng của các nhà đầu tư nước ngoài bởi vị trí địa chính trị quan trọng cùng tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định.

Tuy nhiên, phần lớn các KCN ở Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khác đang dần bị lấp đầy, báo cáo của JLL tỷ lệ lấp đầy của các KCN đồng bằng sông Hồng là hơn 75%, một số địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng tới hơn 90%... Điều này, khiến các nhà đầu tư KCN đang có xu hướng dịch chuyển đến các vùng lân cận có giao thông tốt và nhiều ưu đãi phát triển.

Để đón làn sóng dịch chuyên này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động đẩy nhanh hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, hiện đang cố gắng hoàn thiện đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Bênh cạnh đó là đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn để gia tăng vận tải hàng hóa.

Đồng thời, với vị trí địa lý tiếp giáp với thị trường Trung Quốc, có ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng, hàng hóa lưu thông từ thị trường Trung Quốc đến các KCN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung, và KCN Hữu Lũng nói riêng cũng có lợi thế hơn.

Cùng với đó, Lạng Sơn cũng là một cùng trồng nguyên liệu với nhiều lại nông sản như na, hồng, mận, quýt… nhưng tỉnh lại đang thiếu các nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị nông sản cho tỉnh.

KCN Hữu Lũng được tỉnh Lạng Sơn quy hoạch để tận dụng tối đa lợi thế của của tỉnh, và được kỳ vọng sẽ tạo quỹ đất mới mang tính chiến lược, thu hút thêm các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vị trí của tỉnh; tạo việc làm cho người lao động; góp phần tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh; thực hiện công bằng xã hội và ổn định; phát triển thị trường bất động sản; góp phần tạo môi trường thu hút đầu tư và xúc tiến đầu tư.

Dự kiến, để xây dựng KCN Hữu Lũng, giai đoạn 2021 - 2025, Lạng Sơn sẽ bố trí 35.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 22.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 13.000 tỷ đồng.

Thêm trụ cột phát triển kinh tế

Lạng Sơn là tỉnh vùng biên, với lợi thế tiếp giáp với Trung Quốc, từ nhiều năm nay tỉnh xác định kinh tế cửa khẩu là mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nếu không phát triển công nghiệp thì nền kinh tế của tỉnh còn chậm phát triển và tụt hậu; thu ngân sách thấp và thiếu ổn định. Đồng thời, vấn đề việc làm cho người lao động trong tỉnh cũng chưa được giải quyết một cách căn cơ.

Báo cáo đánh giá của Sở Công Thương Lạng Sơn cho thấy, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong những năm qua đã giải quyết được một phần nhu cầu mặt bằng của doanh nghiệp, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đáng kể cho kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm trở lại đây tăng đều, cụ thể: nếu như năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 4.166 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 5.899 tỷ đồng và năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt 6.238 tỷ đồng, tăng 49,72% so với năm 2016 và tăng khoảng 5% so với năm 2019.

Với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại, trong những năm qua, chính quyền tỉnh đã kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư các dự án. Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã tập trung chỉ đạo khắc phục có hiệu quả những khó khăn về mặt bằng cho doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.

Lạng Sơn kỳ vọng với việc mở thêm KCN Hữu Lũng, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt 13% vào năm 2025.

Bùi Phú