KINH TẾ

Lạm phát 2019 có đáng lo?

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Trong cuộc giao lưu trực tuyến "Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm", các thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng về rủi ro lạm phát 2019 đã đưa ra những quan điểm trái chiều.

TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát cho rằng: "Chỉ tiêu lạm phát năm nay không bị áp lực lớn". Tuy nhiên, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân nhận định "lạm phát là biến số đáng quan tâm nhất trong năm nay, áp lực từ nay đến cuối năm là rất lớn". 2 chuyên gia trong Tổ tư vấn của Thủ tướng đều đưa ra những dẫn chứng thuyết phục để tranh luận.

Ông Trương Văn Phước cho rằng, cần phải nhìn lạm phát Việt Nam không chỉ trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mà cần kết nối với bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn. Tổng cầu của thế giới giảm, thương mại quốc tế cũng giảm, kéo theo áp lực giá từ thế giới không quá lớn. Giá điện tăng vừa qua có thể có tác động nhưng không nhiều đến CPI. Bên cạnh đó giá nông sản lương thực thực phẩm đang ổn định, giá một số hàng hoá, dịch vụ công như giáo dục, y tế… dù tăng theo lộ trình nhưng áp lực cũng không lớn. Nhìn chung chỉ tiêu lạm phát năm nay không bị áp lực lớn.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân lại cho rằng lạm phát là biến số đáng quan tâm nhất trong năm 2019. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2019 chỉ tăng 2,63% nhưng con số này chưa hề phản ánh việc giá điện tăng mạnh là 8,36% kể từ ngày 20/3. Các kịch bản lạm phát hiện nay có thể chưa lường tới việc giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh theo giá thế giới. Bộ Tài chính cũng đã tính tới 3 kịch bản CPI năm 2019 với các giả thuyết khác nhau về diễn biến giá xăng dầu nhưng mức tăng ở kịch bản cao nhất cũng chỉ là 15%. Ngoài rủi ro về diễn biến giá trên thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2019 còn bị đẩy tăng lên do thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng lên khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%. Điều này khiến cho giá bán cho người mua tăng lên 0,32%. Và ở chu kỳ sản xuất sau đó, CPI có thể tăng lên là 0,47%. Vì vậy, kiềm chế lạm phát phải là một ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương cơ sở cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức độ để tránh tạo kỳ vọng về lạm phát.

Đức Vinh