KINH TẾ

Lo Siêu Ủy ban ôm đồm, kinh tế tư nhân bị "cản"

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Đây là lo ngại được chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2019 do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) vừa tổ chức.

Khả năng chống đỡ “trung bình”

Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 1 ở mức 6,79%, thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (7,45%). Đáng lưu ý là sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI (- chỉ số quản lý thu mua, đo lường “sức khỏe” của ngành sản xuất) xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua vào tháng 2/2019. PMI sụt giảm mạnh do sự sụt giảm về lượng việc làm và hàng tồn kho khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất cũng giảm đáng kể.

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng chững lại. Mặc dù, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,2% (yoy), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8% (yoy), nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của Quý 1/2018, chỉ số tồn kho bình quân đạt mức 15,6% (yoy). Cùng với đó, tính từ đầu năm đến hết Quý 1/2019, các chỉ số sản xuất, tiêu thụ đều có dấu hiệu giảm đáng kể, trong đó, chỉ số tồn kho tăng cao. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu kinh tế, tăng trưởng của nền kinh tế trong quý I vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu của khu vực này trong khi cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục dậm chân tại chỗ. Các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, trong quý I, có 43,5 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 14,8 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (tăng 20,8%); 15,3 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể và 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,9%).

Tỷ lệ lạm phát bình quân quý 1 đang ở mức vừa phải (2,63%), tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể kéo dài tới 2 - 6 tháng.

Trích dẫn thêm thông tin về việc S&P đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên BB, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, mức xếp hạng BB vẫn phản ánh thực tế rằng Việt Nam đang được phân loại ở trong nhóm “không khuyến khích đầu tư, mang tính đầu cơ”, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đánh giá về khả năng chống đỡ của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế này cũng cho hay, điều dễ tổn thương nhất của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc nhiều vào công ty nước ngoài (FDI). Nếu các doanh nghiệp này có sự thay đổi về chính sách thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế. Do đó, khả năng chống đỡ của nền kinh tế Việt Nam chỉ ở mức “trung bình”.

“Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu tối thiểu đủ 3 tháng nhập khẩu. Về vấn đề nợ công, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam là 61%, còn cách 4% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, con số này cũng không nói lên nhiều điều. Như ở Nhật Bản, tỷ lệ nợ công trên GDP lên tới 250% nhưng vẫn được đánh giá khả năng khủng hoảng ở mức thấp. Điều khác biệt ở đây là Việt Nam chủ yếu vay nợ nước ngoài, bằng ngoại tệ, nên đối mặt với nhiều rủi ro từ biến động của nền kinh tế thế giới” - TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Hãy trả lại sân chơi cho tư nhân

Ý kiến về cách thức tăng giá một loạt mặt hàng chiến lược mà không tính đến yếu tố lạm phát và độ trễ của chính sách trong quý I, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng động thái này rất phi thị trường, nền kinh tế văn minh nên hạn chế điều này.

Đồng tình với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, PGS Phạm Thế Anh cũng cho rằng, tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô nên được điều hành theo cách có thể dự báo được chứ bất ngờ thay đổi thì là một chính sách tồi. Thay đổi giá nếu doanh nghiệp dự báo được trong kế hoạch sản xuất thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Cùng một lúc tăng dồn dập trong quý 1: thuế bảo vệ môi trường, giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... đẩy hàng hóa tiêu dùng tăng thì dự báo lạm phát quý 2 sẽ tăng.

Lạm phát thể hiện nguyên nhân tăng chi phí đầu vào sản xuất. Khi lạm phát kinh tế tăng, lãi suất sẽ không giảm được. Lạm phát và lãi suất bao giờ cũng tăng cùng nhau. Mặt bằng lãi suất ở Việt Nam đã thuộc những nước có lãi suất cao trên thế giới nên nếu lãi suất tiếp tục tăng cao sẽ đánh vào sức chịu đựng của doanh nghiệp, làm giảm tín dụng dành cho sản xuất, giảm lợi nhuận. Đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam là dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng rất nhiều nên nếu lãi suất tăng ảnh hưởng lớn đến kinh tế.

Mặc dầu nhiều quan ngại cho rằng những rủi ro quý I và lạm phát có thể là mối đe dọa cho tăng trưởng kinh tế 2019 nhưng các chuyên gia khẳng định tăng trưởng quý 2 sẽ giảm, quý 3, 4 có sự phục hồi, cả năm GDP vẫn trong mức 6,7 – 6,8 như Quốc hội đề ra.  

Nghị quyết 10 đưa kinh tế tư nhân thành mũi nhọn đã thực hiện được 2 năm nhưng chưa chuyển biến. Trở ngại đưa kinh tế tư nhân thành mũi nhọn của nền kinh tế chính là DNNN. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cần phải thoát bỏ giai đoạn phát triển mà DNNN đóng tỷ trọng quá lớn, được quá nhiều ưu đãi. DNNN đang được rất nhiều ưu đãi từ chính sách, giấy phép, “sân chơi”... cho đến đất đai, thị phần lớn. Trong khi DNNN là khu vực sinh lợi không cao bằng khu vực kinh tế tư nhân. Vậy tại sao không tăng cường vai trò của tư nhân. Hãy trả lại “sân chơi” cho DN tư nhân. Các DN tư nhân cần chuẩn bị về vốn, về nhân lực và các hành trang đầy đủ để có thể thực sự đi vào nền kinh tế thị trường.

Một trong những vấn đề “nóng” thu hút sự chia sẻ của các chuyên gia đó là Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp - hay còn gọi là Siêu Ủy ban. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Siêu ủy ban - một cơ quan đầu não kiểm soát 1/3 tài sản của một đất nước là rất kinh khủng. 2/3 tài sản còn lại được kiểm soát bởi hàng trăm triệu người. Kiểm soát phân tán sẽ rất hiệu quả. Dù nhóm nhỏ có tài ba đến mấy, có công cụ hỗ trợ thì hiệu quả cũng vẫn là vấn đề. 

1 ngân hàng có cỡ 100.000 tỷ cần khoảng 2000-3000 nhân viên. Siêu ủy ban trong tay nắm cỡ 200.000 – 300.000 tỷ  mà chỉ vài chục người quản lý thì khó chính xác và hiệu quả. Đã nói siêu ủy ban là phải trang bị nguồn nhân lực rất lớn. Dù thời đại cách mạng 4.0, có nhiều công cụ công nghệ hỗ trợ nhưng vẫn rất cần nhân lực “tinh nhuệ” trong đó ít nhất phải 20% là những chuyên gia, chuyên viên có thực lực, có kinh nghiệm nhất và đặc biệt là có đạo đức.

TS Nguyễn Trí Hiếu 

TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng, Nhà nước không nên bỏ thêm vốn vào 12 dự án được chuyển về Siêu ủy ban. "Có một số quan điểm cho rằng chúng ta cần phải bỏ thêm vốn vào, "mông má" lên rồi thoái vốn để có thêm tiền, tôi cho rằng như vậy là không khả thi. Nếu một doanh nghiệp tư nhân mua lại dự án đó và bỏ tiền ra làm sẽ tốt hơn. Thà rằng chúng ta không bỏ thêm tiền và bán với giá rẻ, đúng như định giá của thị trường chứ không nên cố gắng đào sâu theo đuổi đến cùng” - TS Phạm Thế Anh đánh giá.

PSG. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, 12 công ty thua lỗ này được coi như những khoản "nợ xấu" của nền kinh tế, cho dù có đổ thêm tiền cũng không hiệu quả. Bản thân việc xử lý 12 công ty này như thế nào là một thách thức lớn với Siêu Ủy ban. Thành công của Siêu Ủy ban là đưa tài sản về và làm thế nào để bán nó ra thị trường tốt hơn, để khu vực tư nhân xử lý.

Tuyết Vân