Y học và đời sống

Làm gì để bảo vệ sức khỏe thận?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Hiện nay, suy thận ngày càng trẻ hóa, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến thăm khám được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Bên cạnh đó còn một số bệnh thận thường gặp như: sỏi thận, hội chứng thận hư… Vậy cần làm gì để bảo vệ thận?

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo.

Cùng với gia tăng người mắc bệnh thận, số lượng người trẻ suy thận có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, xin việc. Khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe thận? ảnh 1

Làm gì để bảo vệ sức khỏe thận?

Để giảm các nguy cơ gây suy thận, trước hết cần có chế độ dinh dưỡng khoa học ăn uống điều độ, ăn sạch đồng thời kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có.

Uống đủ nước

Lượng nước cần thiết phải uống mỗi ngày tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố: vận động, thời tiết, tình trạng sức khoẻ, có thai hoặc cho con bú.

Khi tập thể dục, hoạt động gắng sức, đổ mồ hôi nhiều, bị nôn mửa, tiêu chảy cần phải uống nhiều hơn lượng nước bình thường. Tuy nhiên, nếu mọi người mắc bệnh thận, tim, gan cần hỏi bác sĩ lượng nước tối đa có thể uống mỗi ngày để tránh tình trạng sưng phù, khó thở…

Ăn uống lành mạnh

Ăn uống lành mạnh bao gồm đầy đủ các loại thực phẩm đủ năng lượng, hạn chế muối, ăn nhiều rau trái, bớt chất bột đường, đạm. Lượng muối cần thiết mỗi ngày không nên quá 6 gram, tương đương một muỗng cà phê gạt ngang.

Để giảm bớt lượng muối, mọi người nên hạn chế các loại đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, khô, mắm…

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục và có lối sống năng động giúp mọi người có cân nặng lý tưởng, nhờ đó làm giảm nguy cơ bệnh thận mạn. Do đó, nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần các môn như: chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga… hoặc bất cứ môn thể thao nào làm đổ mồ hôi và tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.

Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Ngoài ra, mọi người cần lưu ý việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để giảm tải những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng liên quan tới việc phòng ngừa và ngăn chặn các biến chứng do suy thận. Người dân nên thăm khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng – 1 năm/lần để phát hiện sớm những bất thường nếu có.

Kiểm soát đường huyết

Với những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.

Không tự ý sử dụng thuốc

Việc sử dụng thuốc không có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thận đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, các loại thuốc không rõ nguồn gốc… Do vậy, khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe, người dân nên tới cơ sở y tế để thăm khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Duy trì cân nặng phù hợp

Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm hỏng thận. Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể.

Chỉ số BMI được tính cho người trưởng thành bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9. Nếu vượt qua chỉ số này vượt quá 25, cơ thể đang bị thừa cân béo phì. Để làm được điều này, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.

Giang Thu (T/H)